Philippines gửi công hàm phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc

Đài ABC News hôm 27-1 cho biết Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã gửi công hàm phản đối về việc Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài và gọi đó là “mối đe dọa chiến tranh”.

Tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Ted Aljibe/AFP.

“Sau khi xem xét, tôi đã gửi công hàm phản đối” - ông Locsin thông báo trên Twitter.

Đồng thời ông cũng lưu ý: “Dù việc ban hành luật là quyền của quốc gia nhưng luật mà Trung Quốc vừa thông qua là lời đe dọa chiến tranh đối với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo”. 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Hôm 22-1, Trung Quốc đã thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để chấm dứt hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn được quyền phá dỡ những công trình do các quốc gia khác xây dựng trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Luật cũng quy định các trường hợp mà các nhân viên thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc có thể sử dụng có loại vũ khí khác nhau như vũ khí cầm tay, pháo và tên lửa được trang bị trên tàu hoặc cho trực thăng hỗ trợ tấn công.

Luật trên còn cho phép lực lượng hải cảnh tiếp cận và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, điều ra đặt ra nhiều vấn đề với yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc cho đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hiện diện cách đất liền vài trăm km hoặc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng và có những hành vi hung hăng như chống lại các tàu đang đánh bắt cá và thăm dò tài nguyên tại Biển Đông.

Việc Philippines gửi công hàm phản đối diễn ra chỉ vài ngày sau khi đồng minh Mỹ đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông "nhằm đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác và thúc đẩy an ninh hàng hải”.

Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Sẽ không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực nếu Mỹ thường xuyên điều tàu và đưa máy bay quân sự vào Biển Đông để phô trương sức mạnh”

Đồng thời, Trung Quốc hôm 26-1 thông báo nước này sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự trong tuần này tại Biển Đông.

Trước đó, vào ngày 25-1, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết Manila hy vọng không nước nào làm gia tăng căng thẳng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm