Giải mã dự luật nguy hiểm của Trung Quốc - Bài 2

4 mưu đồ của Trung Quốc nhìn từ dự luật Hải cảnh

Trong bài “Cảnh báo bạo lực từ dự luật Hải cảnh Trung Quốc (TQ)”, các chuyên gia đã làm rõ các điều khoản chứa đựng nhiều rủi ro mà Bắc Kinh muốn áp đặt lên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong bối cảnh TQ vẫn ngoan cố theo đuổi yêu sách đường chín đoạn, hay “Tứ Sa” “nuốt trọn” hơn 90% khu vực Biển Đông thì nguy cơ xảy ra xung đột ở khu vực này sẽ gia tăng nếu lực lượng Hải cảnh TQ ngang ngược thực thi luật pháp của nước này mà không tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS).

Một tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu hải quân Indonesia đang tuần tra gần quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông hồi tháng 1. Ảnh: REUTERS

1. Tăng cường kiểm soát Biển Đông

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh TQ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định việc công bố dự luật là một bước đi nằm trong kế hoạch định sẵn của TQ. Họ muốn tăng cường quyền kiểm soát khu vực Biển Đông. TQ thường sử dụng “mặt trận chiến tranh pháp lý” để nâng cao vị thế hay lập trường của họ trước các đối thủ ở khu vực.

“Các mục tiêu ban đầu sẽ là tàu thuyền đánh bắt hải sản của các quốc gia khác. TQ có thể sẽ gia tăng bạo lực đối với ngư dân các nước khác có tuyên bố chủ quyền dưới chiêu bài “thực thi pháp luật” (theo chức năng của lực lượng hải cảnh). Điều này hoàn toàn không phù hợp với các mục tiêu mà TQ và ASEAN đang nỗ lực để đạt được trong các phiên đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC)” - chuyên gia Bonnie Glaser khẳng định.

Không chỉ Biển Đông, các chuyên gia cảnh báo xung đột cũng gia tăng ở biển Hoa Đông nếu Hải cảnh TQ áp đặt các điều luật không phù hợp luật pháp quốc tế. Trên trang Twitter cá nhân, bà Bonnie Glaser dẫn lại bài báo của tờ Japan Times (Nhật Bản) hồi đầu tháng trước với nội dung dự luật Hải cảnh của TQ rõ ràng đang nhắm vào tàu thuyền của Nhật Bản qua lại ở vùng biển Hoa Đông, nơi Trung, Nhật đang tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Nếu đúng là như vậy thì dự luật của TQ rất đáng lo ngại. Luật này sẽ dẫn đến khả năng bạo lực gia tăng ở các vùng biển tranh chấp” - bà Bonnie Glaser viết.

2. Chiêu bài “thực thi pháp luật”

Chuyên gia Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định: Hiện vẫn chưa rõ lực lượng Hải cảnh TQ sẽ áp dụng các điều khoản mới trong luật Hải cảnh như thế nào. Giống như tất cả luật pháp hàng hải khác của TQ, dự luật Hải cảnh lần này cũng rất mơ hồ và không rõ ràng về phạm vi mà luật này sẽ điều chỉnh.

“Cơ quan lập pháp TQ nói rằng luật hải cảnh sẽ áp dụng cho “các vùng biển mà TQ có quyền tài phán” nhưng tới nay, thuật ngữ này của TQ là vô nghĩa về mặt pháp lý. Tôi đoán rằng như thường lệ, lực lượng Hải cảnh TQ sẽ làm bất kỳ điều gì mà họ cho rằng cần thiết để thúc đẩy các tuyên bố yêu sách của TQ, đồng thời sử dụng luật này như một cơ sở để biện hộ về mặt pháp lý cho những hành vi của họ” - chuyên gia Poling nhận xét.

Trong khi đó, GS James Kraska, Trung tâm Luật quốc tế Stockton (ĐH Hải chiến Mỹ), cho rằng mục đích thật sự của TQ đằng sau luật hải cảnh là: Nội bộ chính quyền TQ muốn làm rõ ràng nhiệm vụ và hoạt động của lực lượng hải cảnh của nước này, từ đó phục vụ cho các hoạt động có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan với nhau.

“Điều này càng làm phát triển các cơ chế pháp lý và quản trị nằm trong chiến dịch “vùng xám” của TQ, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng hải cảnh ở nước này. Đạo luật mới về Hải cảnh TQ là một bước tiến mới của Bắc Kinh trong một loạt tranh chấp đang xảy ra hiện tại. Đạo luật này nhằm giúp TQ đạt vị thế tốt hơn, từ đó tăng cường bắt nạt các quốc gia láng giềng dưới chiêu bài thực thi pháp luật” - ông Kraska nhận định.

3. Tạo đà gia tăng bắt nạt láng giềng

GS Kraska nhận xét thêm: Luật hải cảnh cũng là một lời cảnh báo của TQ nhắm đến các quốc gia láng giềng, rằng lực lượng Hải cảnh TQ đang ở vị thế có thể sử dụng vũ lực để thúc đẩy các tuyên bố yêu sách của chính quyền Bắc Kinh. Những động thái luật pháp hóa các hoạt động của Hải cảnh TQ, nhất là những điều 13-16 và điều 18-19 có thể dẫn đến hệ lụy tất yếu là căng thẳng leo thang ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các điều luật trên sẽ làm gia tăng chiến dịch gây áp lực của TQ chống lại các nước láng giềng, vốn thời gian dài đã có các yêu sách hàng hải hợp pháp.

“Ngoài ra, dự luật gần như chắc chắn sẽ dẫn đến mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên biển, điều đó dẫn tới nguy cơ TQ vi phạm khoản 4 Điều 2 của Hiến chương LHQ - quy định các quốc gia thành viên phải “từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”” - GS Kraska nhấn mạnh.

Chuyên gia Hunter Stires (ĐH Hải chiến Mỹ) nói với đài RFA rằng với dự luật hải cảnh này, TQ muốn chuyển đến các quốc gia khác có yêu sách chủ quyền rằng TQ hoàn toàn quyết đoán với chính sách của họ chứ không phải nói đùa. TQ phát đi tín hiệu rằng đừng thách thức các hoạt động của lực lượng Hải cảnh TQ ở các vùng biển vốn là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước Đông Nam Á (nhưng TQ cho là của họ vì nằm trong yêu sách đường chín đoạn).

4. Áp đặt luật nội địa lên các nước khác

Đồng quan điểm với GS James Kraska, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương (ĐH Kinh tế - Tài chính) cũng cho rằng: Một trong những mục đích quan trọng nhất của dự luật là hoàn thiện các cơ chế pháp lý liên quan tới Hải cảnh TQ, sau khi lực lượng này được chuyển về dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương TQ. Việc hoàn thành dự luật sẽ tạo ra một nền tảng pháp lý trong nước để TQ quản lý và thúc đẩy hoạt động của hải cảnh.

“Với việc trình làng dự luật hải cảnh, TQ đang cố gắng áp đặt luật pháp nội địa của họ lên các vùng biển tranh chấp, trong bối cảnh luật pháp quốc tế chưa có sự rõ ràng trong những quy tắc liên quan tới va chạm hay đối đầu có liên quan tới cảnh sát biển” - ông Phương nhận xét. Vị này nói thêm, về mặt đối ngoại, dự luật đưa ra hai thông điệp quan trọng: (i) TQ có khả năng cả về mặt sức mạnh và luật pháp để kiểm soát Biển Đông; và (ii) TQ sẵn sàng áp dụng luật pháp của mình tại những khu vực có tranh chấp (một dạng biến không thành có tranh chấp).

Nói về việc triển khai dự luật khi được thông qua, chuyên gia Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM) cho rằng TQ sẽ từng bước áp đặt luật này lên các vùng biển nội địa. Sau đó, họ đẩy mạnh hoạt động ra các vùng biển của láng giềng mà họ ngang ngược cho rằng có tranh chấp vì nằm trong phạm vi đường chín đoạn hay “Tứ Sa”. TQ sẽ vừa làm vừa thăm dò xem phản ứng của các quốc gia trong khu vực và cả các nước khác như Mỹ. Nếu ngư dân và các nước không có biện pháp hiệu quả hoặc không hành động quyết liệt thì TQ sẽ lấn tới.

 

Lý do Hải cảnh được lựa chọn

Ngoài hải cảnh, TQ còn nhiều lực lượng khác, trong đó có dân quân biển và hải quân. Dân quân biển ít được trang bị vũ trang nên không đủ sức dọa nạt và răn đe đối phương, trong khi việc lạm dụng hải quân sẽ khiến TQ dễ bị cáo buộc sử dụng vũ lực, đi ngược với tinh thần LHQ. Nếu không kiểm soát hiệu quả, hải quân TQ nổ súng trước, các bên liên quan có thể trả đũa và hậu quả là chiến tranh xảy ra. Cần biết rằng Điều 51 Hiến chương LHQ cho phép các quốc gia tự vệ nếu bị tấn công trước bằng vũ trang.

TQ không muốn vậy, họ muốn duy trì chiến lược vùng xám, tức dưới ngưỡng chiến tranh để từng bước lấn tới ở Biển Đông. Vì vậy, họ dùng hải cảnh. Ví dụ, trong các hành động phi pháp ở Biển Đông như đưa giàn khoan HD-981 vào EEZ của Việt Nam năm 2014 hay trong các vụ quấy rối tương tự các nước láng giềng, TQ đều sử dụng hải cảnh để thực hiện. Tuy thực địa căng thẳng nhưng không xảy ra chiến tranh.

Chuyên gia HOÀNG VIỆT (ĐH Luật TP.HCM)

Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc

Tất cả quốc gia thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của LHQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm