Cảnh báo bạo lực từ dự luật Hải cảnh của Trung Quốc
LTS:Tuần trước, Trung Quốc đã hoàn thành việc lấy ý kiến toàn dân cho dự thảo luật hải cảnh. Dù Trung Quốc tuyên bố là “luật nội địa” của họ nhưng việc mổ xẻ các điều luật cho thấy dự luật tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn an ninh đối với các quốc gia khác.Pháp Luật TP.HCMđã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế về dự luật nguy hiểm này.
Tạp chí The Economist hôm 5-12 có bài xã luận nhận định lực lượng hải cảnh TQ muốn “sử dụng cơ bắp”. Tờ này cho rằng luật mới sẽ cởi trói cho hải cảnh nước này, để họ bành trướng ra khỏi những vùng biển của họ. Ảnh minh họa: THE ECONOMIST
Dự luật hải cảnh của Trung Quốc (TQ) được công bố chính thức gồm 11 chương với 80 điều. Dự luật này là động thái mới nhất của TQ nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải cảnh nước này. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia nhận định dự luật có nhiều điều khoản (như điều 13-16, 17, 19 và 22) cho thấy hải cảnh TQ có thể cản trở tự do hàng hải, đe dọa an ninh tàu thuyền các nước hiện diện ở Biển Đông, vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới.
Đe dọa, sử dụng vũ lực phi pháp
. Phóng viên: Thưa giáo sư, sau khi xem qua dự luật hải cảnh TQ, theo ông đâu là những điều khoản có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác có liên quan đến TQ như biển Hoa Đông?
+ GS James Kraska (Trung tâm luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ): Dự luật hải cảnh của TQ cho thấy sự đe dọa sử dụng vũ lực của Bắc Kinh, đồng thời có thể gây ra những rủi ro xung đột tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Điển hình là điều 13 và 14 của dự luật cho phép hải cảnh TQ có thể theo dõi, giám sát tàu thuyền nước ngoài. Bên cạnh đó, hải cảnh có quyền áp dụng các biện pháp đầy rủi ro xung đột như tạm giữ, xua đuổi, cưỡng chế lai kéo hay các biện pháp vũ lực đối với tàu thuyền, cá nhân mà TQ (ngang ngược và vô lý - PV) cho rằng đã xâm phạm vùng biển của họ.
Bên cạnh đó, điều 15 và 16 cho phép hải cảnh TQ lên tàu, kiểm tra các tàu thuyền đi lại, dừng đậu, hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của TQ và cưỡng chế kiểm tra với các tàu thuyền nước ngoài không tuân thủ yêu cầu kiểm tra. Dự luật này cũng cho phép hải cảnh truy đuổi các tàu thuyền không chấp hành và muốn trốn thoát.
Ngoài ra, TQ đưa ra điều 18 và 19 là nhằm đe dọa sử dụng vũ lực đối với các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền, được hưởng quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp ở vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của họ.
Điều 19 dự luật hải cảnh Trung Quốc “Khi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của TQ trên biển bị những tổ chức, cá nhân nước ngoài xâm phạm một cách bất hợp pháp, hoặc đối mặt với nguy hiểm khẩn cấp bị xâm phạm một cách bất hợp pháp thì cơ quan hải cảnh có quyền thực thi mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí để ngăn chặn hành vi xâm hại, loại trừ nguy hiểm theo các quy định của luật này hoặc các bộ luật, quy định khác liên quan.”
Phá hủy công trình biển nước khác
. Truyền thông nhà nước TQ chỉ trích giới quan sát và truyền thông quốc tế đang quan tâm quá mức và thổi phồng sự ảnh hưởng của dự luật này, đồng thời khẳng định đây là “luật nội bộ của TQ” nên không ai có quyền can dự. Có thật là luật nội bộ này của TQ không ảnh hưởng gì đến các nước khác hay không, thưa ông?
+ Chuyên gia Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM): Xuyên suốt dự luật này, chúng ta có thể thấy cụm từ “vùng biển thuộc quyền tài phán của TQ” được lặp đi lặp lại ít nhất 12 lần để nói về phạm vi hoạt động của lực lượng hải cảnh nước này. Điều đáng nói là khái niệm “vùng biển của TQ” không được dự luật định nghĩa, mà nước này lập lờ. Nếu soi chiếu với các công hàm mà TQ đệ trình lên Liên Hợp Quốc (LHQ), cũng như quan điểm chính thức của chính phủ nước này thì có thể hiểu Bắc Kinh hòng áp đặt đường lưỡi bò - gần nhất TQ gọi là “yêu sách Tứ Sa” - với phạm vi ôm lấy hơn 90% Biển Đông.
Như vậy, nếu hải cảnh TQ có thẩm quyền theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà TQ cũng là thành viên thì không có gì để bàn về dự luật này. Tuy nhiên, TQ quá lập lờ trong yêu sách của họ, tuyên bố yêu sách gần hết khu vực Biển Đông và cả khu vực biển Hoa Đông. Như vậy, dự luật của TQ sẽ trao cho hải cảnh nước này thẩm quyền ở hầu hết khu vực biển nói trên, tức là liên quan trực tiếp đến tuyên bố chủ quyền của nhiều nước khác. Cho nên không thể nói rằng dự luật là chuyện riêng của TQ.
. Ông có thể phân tích rõ hơn rủi ro có thể phát sinh từ chỗ nào trong dự luật?
+ Ngoài các điều khoản mà ông James Karaska đã nêu, tôi thấy điều 17 của dự luật còn cho phép hải cảnh có thể cưỡng chế dỡ bỏ các công trình kiến trúc, cấu trúc hoặc lắp đặt các loại thiết bị cố định hoặc thả nổi trong vùng biển mà TQ cho rằng thuộc quyền tài phán của họ. Hay như điều 22 cũng rất nguy hiểm, bởi vì TQ trao quyền cho hải cảnh “xác định khu cảnh giới trên biển tạm thời” ở Biển Đông. Điều này có nghĩa hải cảnh TQ có thể “hạn chế hoặc cấm tàu thuyền và người qua lại, neo đậu” khi họ viện cớ “thuộc trường hợp cần thiết”.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa điều 19 của dự luật cho phép lực lượng hải cảnh TQ có quyền “sử dụng vũ khí” để đối phó với các tàu thuyền nước ngoài. Như vậy, nếu hải cảnh TQ thực thi luật trên vùng biển theo phạm vi đường chín đoạn phi pháp thì tàu thuyền, đảo nhân tạo, công trình biển, an ninh và tự do hàng hải các nước khác sẽ bị ảnh hưởng.
Mở đường để hải cảnh càng gây rối
. Vì sao TQ công bố dự luật hải cảnh vào giai đoạn hiện nay?
+ ThS Nguyễn Thế Phương (Khoa quan hệ quốc tế, ĐH Kinh tế Tài chính): Dự luật là bước đi tất yếu mà TQ thực hiện nhằm luật hóa hoạt động của hải cảnh, biến lực lượng này trở thành một lực lượng bán quân sự đúng nghĩa để phục vụ chiến lược bành trướng trên biển. TQ muốn hoàn thiện quá trình tái cấu trúc lực lượng hải cảnh, vốn đã bắt đầu từ năm 2013. Trước đây, chưa có bộ luật nào quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của riêng lực lượng hải cảnh.
. Lực lượng hải cảnh nằm trong nhóm những lực lượng nào của TQ đang hiện diện và thực hiện chiến lược bành trướng trên biển?
+ Trước tháng 3-2013, giới hoạch định chính sách biển TQ sử dụng thuật ngữ “cửu long khuấy biển” để miêu tả việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan của chính phủ có liên quan tới Biển Đông. Một trong “chín con rồng” khi đó chính là lực lượng phòng vệ bờ biển hay hải cảnh (trực thuộc Bộ Công an TQ). Các “con rồng” còn lại là ngư chính; hải giám; các chính quyền ở Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây; hải quân; Bộ Ngoại giao; các công ty năng lượng như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Hóa dầu TQ, Tập đoàn Dầu khí xa bờ quốc gia TQ; Cục Chống buôn lậu và hải quan và Cơ quan An toàn hàng hải với lực lượng hải tuần.
Năm 2018, lực lượng hải cảnh được chuyển giao sang cho lực lượng vũ cảnh (cảnh sát vũ trang TQ). Theo cơ chế kiểm soát hàng dọc, hải cảnh lúc này trực thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương TQ. Sự ra đời của lực lượng hải cảnh TQ từ năm 2013 đáp ứng một số mục tiêu an ninh và chiến lược: (i) Tăng cường năng lực của lực lượng chấp pháp biển, biến TQ trở thành một cường quốc biển; (ii) thúc đẩy “quyền lực mềm” của TQ ở khu vực và trên toàn cầu (lưu ý các năng lực khác của cảnh sát biển như cứu hộ cứu nạn, giảm thiệt hại thiên tai, bảo vệ môi trường hay chống cướp biển); (iii) giảm gánh nặng cho hải quân TQ.
. Vì sao giới quan sát rất quan ngại hải cảnh TQ sẽ thường xuyên quấy rối Biển Đông?
+ TQ rất chú trọng sử dụng hải cảnh để thực thi chính sách bành trướng của họ, vì vậy họ đầu tư rất mạnh vào lực lượng này. Hải cảnh TQ được giới chuyên gia đánh giá là lực lượng cảnh sát biển lớn nhất thế giới xét về số lượng tàu có trong biên chế. Lực lượng này thậm chí còn lớn hơn cả một số lực lượng hải quân khác trong khu vực. Điển hình, trong 7-8 năm qua, hải cảnh TQ sử dụng thêm hơn 100 tàu thuyền các loại. Tổng số tàu thuyền biên chế hiện có lên tới hơn 200 chiếc.
Trong số các tàu trên, có hai tàu hải cảnh lớn nhất thế giới có lượng giãn nước 12.000 tấn và dài 165 m. Ngoài ra còn có ít nhất sáu tàu tuần tra Type 818, vốn được hoán cải từ các tàu chiến Type 054A lớp Giang Khải II của hải quân TQ. Ỷ vào lực lượng người đông và thế mạnh, tàu TQ tỏ ra hung hăng, gây bất an và bất bình cả trong và ngoài khu vực Biển Đông. Trong việc triển khai các hành động phi pháp của mình, hải cảnh TQ thường xuyên hiện diện. Muốn chống lại lực lượng này nói riêng và chiến thuật của TQ nói chung, các nước cần phải bắt tay nhau để hợp sức.
. Xin cám ơn các chuyên gia.•
Đánh giá khả năng đối đầu . Hoạt động của hải cảnh TQ có thể gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực ra sao? + ThS Nguyễn Thế Phương: Hải cảnh TQ cùng với dân quân biển và hải quân TQ là ba lực lượng chính trong các chiến thuật “vùng xám”, “tằm thực” và tạo dựng “sự đã rồi” trên thực địa, với mục đích duy trì khả năng kiểm soát trên thực tế của các lực lượng TQ trên hầu hết diện tích Biển Đông. Cùng với các đảo nhân tạo phi pháp đã được bồi đắp, TQ có ý đồ sử dụng ba lực lượng này với số lượng áp đảo hòng kiểm soát được Biển Đông mà không gây chiến tranh. Tác động của dự luật này trong tương lai đối với các nước nhỏ sẽ mạnh mẽ hơn, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương như ngư dân Việt Nam, Philippines khi đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống. Dù vậy, để đánh giá mức độ gia tăng căng thẳng thông qua tần suất va chạm giữa các tàu TQ và các tàu nước khác, chúng ta cần thêm thời gian để trả lời.
Các nước nói gì về dự luật Hải cảnh của Trung Quốc?
Việt Nam: Sau khi TQ công bố dự luật hải cảnh, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Dương Hoài Nam nói: “Như đã nhiều lần khẳng định, VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. VN ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Hội thảo ASEAN - TQ về thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với các ngư dân cũng vừa diễn ra hồi đầu tháng 11.
Philippines: Trước thông tin TQ công bố dự luật hải cảnh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines, Phó Đô đốc Erick Kagaoan cho biết quân đội Philippines sẽ vẫn duy trì hiện diện ở biển Tây Philippines (cách nước này gọi tên Biển Đông). “Nhiệm vụ của chúng tôi rất rõ ràng: Bảo vệ người dân và đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Philippines. Chúng tôi sẽ ở lại khu vực để đảm bảo nhận thức về hải vực và sự hiện diện hàng hải của chúng tôi” - Phó Đô đốc Erick Kagaoan khẳng định.
Vị này cho biết thêm nếu có việc TQ gây hấn với các tàu Philippines thì điều đó được giải quyết dựa trên các quy tắc hiện hữu. Theo hướng dẫn của lực lượng đặc nhiệm Philippines về Biển Đông thì không khuyến khích việc leo thang căng thẳng. Các vụ va chạm, đối đầu nếu xảy ra thì trước hết cần xem xét giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao.
Nhật Bản: Sau khi dự luật hải cảnh TQ được công bố, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói với tờ Nikkei Asia rằng “chính quyền Tokyo sẽ tiếp tục theo dõi một cách sát sao các diễn biến liên quan đến lực lượng hải cảnh TQ. Vị này nói thêm các cơ quan của chính phủ Nhật Bản cũng đang thu thập thêm thông tin về vụ việc.