Nhận thấy trên thị trường đã có các biện pháp như nhang muỗi, thuốc xịt, vợt điện, và hiện đại hơn là nuôi cấy muỗi biến đổi gene, nhưng sốt xuất huyết vẫn bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Điều này cho thấy các biện pháp hiện có chưa thực sự tối ưu. Vậy làm thế nào để diệt muỗi mà không cần dùng điện hay hóa chất là điều khiến ông Nguyễn Văn Khỏe (59 tuổi luôn, ngụ Đồng Nai) luôn trăn trở. Xuất phát từ lý do trên, ông Khỏe không ngừng tìm kiếm những giải pháp để diệt muỗi nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường.
Theo đó, từ năm 2015 ông tiến hành nghiên cứu thực tế về vòng đời và đặc tính của muỗi tại một dự án ở Tây Ninh. Trên một ao tù có hàng triệu con lăng quăng, ông cho lắp đặt một 2 hệ thống lồng kính, nối từ nhà vệ sinh dẫn ra ao. Hơn hai tuần sau, lăng quăng nở thành muỗi, bị kẹt lại trong chiếc lồng đó và không thể thoát ra ngoài.
“Thực tế từ nghiên cứu đó, tôi nhận ra rằng, nhà vệ sinh của chúng ta - nơi có nguồn nước sạch là chỗ lý tưởng để muỗi đẻ trứng. Trứng muỗi rất khó nhìn bằng mắt thường nên khi chúng ta sinh hoạt và đổ nước ra ngoài sàn, nước từ sàn chảy ra hố ga và trứng muỗi sẽ theo đó đi ra ngoài ao tù, nở thành lăng quăng, rồi thành muỗi” – Ông Khỏe nói. Từ thực tế trên, ông Khỏe bắt đầu lên ý tưởng về chiếc “nhà tù muỗi”, nhằm dụ muỗi đến đẻ trứng.
Dù chưa học hết lớp 8, nhưng ông Nguyễn Văn Khỏe vẫn tìm đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu để tối ưu thiết kế của mình. Năm 2016, sau khi hoàn bản vẽ, ông đã nộp đơn lên Cục Sở Hữu Trí Tuệ yêu cầu cấp bằng sáng chế cho ý tưởng này. Năm 2017, Cục chính thức nhận đơn của ông.
Cấu tạo của bẫy muỗi gồm thân bình và phễu chứa trứng muỗi. Trong phễu có thêm nón ngăn không cho lăng quăng bơi ngược ra ngoài. Khi muỗi đẻ trứng vào trong bình có chứa nước, mất 15 ngày để trứng nở thành lăng quăng và mất thêm hai tuần để phát triển thành muỗi. Trung bình 7 ngày muỗi sẽ chết trong bình vì không có thức ăn do không thể thoát ra được. Thiết kế có thêm 12 lỗ khí để cung cấp ô xi trong bình, từ đó giúp trứng có thể nở.
“Thiết kế không diệt muỗi từ giai đoạn trứng vì trứng rất nhỏ, khó nhìn thấy. Khi người ta có thể thấy muỗi nở và chết đi, xác muỗi lưu lại trong bình thì càng có động lực để tiêu diệt chúng, điều này cũng chứng minh được hiệu quả của chiếc bẫy muỗi” – Ông Khỏe lý giải.
Không được đào tạo bài bản, việc thiết kế và hiểu biết về vật liệu gần như là con số không, khiến ông gặp rất nhiều khó khăn ban đầu và thiệt hại nhiều chi phí. Phiên bản đầu tiên của bẫy diệt muỗi Mosla gặp không ít vấn đề. Khe hở trên nắp quá nhỏ khiến lăng quăng không thể chui vào, nhưng nếu làm lớn hơn thì muỗi con lại thoát ra ngoài. Chiều cao, độ rộng và mực nước tối thiểu đều phải liên tục điều chỉnh, tính toán lại. Thiết kế ban đầu có hình chữ nhật, tuy nhiên do chi phí sản xuất cao nên ông đã chuyển sang mẫu tròn, để giá thành có thể tiếp cận được nhiều đối tượng người dân.
Sau hơn 5 năm chờ đợi, cuối cùng bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho bẫy muỗi Mosla cũng được công nhận và đến tay nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe. Chính khoảnh khắc đó đã thổi bùng khát khao đưa bẫy diệt muỗi Mosla ra thị trường, tiếp tục sứ mệnh "có Mosla, không có sốt xuất huyết" mà ông đã tâm huyết từ khi bắt đầu nghiên cứu.
Ông tính toán giá mỗi chiếc bẫy diệt muỗi Mosla khi bán ra thị trường khoảng trên dưới 100.000 đồng, nhưng giá trị sử dụng gần như vĩnh viễn, nếu không bị làm vỡ. Theo ông, mỗi nhà chỉ cần trang bị từ 2-3 cái để trong nhà vệ sinh, chỗ tối, ẩm… để bắt muỗi.
Thiết bị bẫy diệt muỗi Mosla của ông Nguyễn Văn Khỏe từng đạt giải ba cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ngoài thiết kế bẫy diệt muỗi, trước đó ông Khỏe còn được cấp bằng sáng chế với giải pháp sấy nhiệt mặt trời.