Bị phạt do “sống chung” với lăng quăng

(PLO)- Các địa phương trên địa bàn TP.HCM kiên quyết xử phạt hành vi không thực hiện những biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP.HCM) vừa ra quyết định phạt hai cá nhân trên địa bàn do không thực hiện triệt để các biện pháp diệt lăng quăng để ngăn ngừa muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH).

UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP.HCM) thường tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phòng ngừa sốt xuất huyết. Ảnh: TRẦN NGỌC

UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP.HCM) thường tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phòng ngừa sốt xuất huyết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Người dân quận 12 (TP.HCM) diệt lăng quăng, phòng ngừa sốt xuất huyết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Người dân quận 12 (TP.HCM) diệt lăng quăng, phòng ngừa sốt xuất huyết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nhắc nhở, cam kết nhưng lăng quăng vẫn còn

Người bị phạt thứ nhất là ông NH (61 tuổi, ở ấp 3). Ông H mua bán phế liệu nên có nhiều vật dụng đọng nước, dễ phát sinh lăng quăng gây SXH.

Do là điểm nguy cơ SXH nên cơ quan chức năng của xã Xuân Thới Thượng thường xuyên kiểm tra. Sau khi phát hiện khu vực kinh doanh phế liệu của ông H có lăng quăng, đoàn kiểm tra nhắc nhở và hướng dẫn cách diệt. Kiểm tra lần tiếp theo, đoàn ghi nhận lăng quăng vẫn còn ngọ nguậy trong xô… nên yêu cầu ông H làm cam kết. Kiểm tra lần thứ ba, đoàn phát hiện lăng quăng vẫn nhơn nhởn trong vật dụng đọng nước nên ra quyết định phạt 2 triệu đồng theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 117/2020 của Chính phủ.

Tương tự, ông CĐD (40 tuổi, ở ấp 3) làm nghề đóng bàn, ghế, tủ… nhưng vẫn để lăng quăng “có mặt” tại khu vực sản xuất nên bị UBND xã Xuân Thới Thượng phạt 2 triệu đồng. Điều đáng nói là trước đó ông D đã được nhắc nhở và làm cam kết.

Sau khi xử phạt, những cá nhân vi phạm quy định phòng chống SXH đã thay đổi hành vi, thu gom và tiêu hủy các vật dụng đọng nước, có lăng quăng.

UBND phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân (TP.HCM) cũng vừa ra quyết định phạt bốn cá nhân trên địa bàn do “sống chung” với lăng quăng gây SXH.

Bốn cá nhân nói trên gồm bà GHA (22 tuổi, ở khu phố 6), ông NTT (45 tuổi, ở khu phố 7), ông NHQ (35 tuổi, ở khu phố 5) và bà DNT (39 tuổi). Mỗi cá nhân bị phạt 2 triệu đồng.

Cũng ở quận Bình Tân, UBND phường Bình Hưng Hòa B phạt một doanh nghiệp 4 triệu đồng (gấp hai lần mức phạt đối với cá nhân) do không thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, để phát sinh muỗi vằn gây bệnh SXH.

Còn ở phường Hiệp Thành, quận 12 (TP.HCM), UBND phường này cũng ra quyết định phạt ông NMT (30 tuổi, ở khu phố 7) và bà HTTV (29 tuổi, ở khu phố 7) do không diệt triệt để lăng quăng tại khu vực buôn bán, trồng lan.

Tuy nhiên, do ông T và bà V có thực hiện diệt lăng quăng theo như cam kết nhưng… còn sót nên UBND phường Hiệp Thành chỉ phạt mỗi người 350.000 đồng theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 117/2020.

19

ca SXH cả nhập viện điều trị nội trú lẫn khám ngoại trú được ghi nhận trong sáu tháng đầu năm 2022 tại phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Trên địa bàn phường hiện còn 83 điểm nguy cơ.

Nhắc nhở không ăn thua, phạt mới chừa

“Tính đến thời điểm hiện tại, xã Xuân Thới Thượng ghi nhận gần 220 ca SXH cả nhập viện điều trị nội trú lẫn khám ngoại trú, không có trường hợp tử vong. Cơ quan chức năng của xã đã xử lý 53 điểm nguy cơ và 12 ổ dịch SXH. Để số ca SXH trên địa bàn không tăng trong thời gian tới, UBND xã Xuân Thới Thượng xử phạt đúng quy định những trường hợp không thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, để phát sinh muỗi vằn gây SXH” - ông Nguyễn Đình Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, chia sẻ.

Sau khi xử phạt, những cá nhân vi phạm đã thay đổi hành vi, thu gom và tiêu hủy các vật dụng đọng nước, có lăng quăng. “Thực tế cho thấy mặc dù đã được nhắc nhở và làm cam kết nhưng không ít trường hợp vẫn chưa thật sự quan tâm các biện pháp phòng chống SXH. Chỉ có phạt theo đúng quy định thì mới hy vọng hoạt động phòng chống SXH trên địa bàn xã mang lại hiệu quả” - ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, cho biết ngoài bốn cá nhân bị phạt nói trên, UBND phường này sẽ ra thêm hai quyết định phạt hành vi không thực hiện các biện pháp phòng chống SXH, làm phát sinh lăng quăng. Mỗi cá nhân bị phạt 2 triệu đồng.

“Sau khi ra quyết định xử phạt, cơ quan chức năng của phường sẽ tái kiểm tra. Nếu vẫn còn lăng quăng, UBND phường sẽ ra mức phạt cao nhất theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 117/2020 của Chính phủ, tức 3 triệu đồng đối với mỗi cá nhân. Đụng tới “hầu bao” thì ai cũng ngại nên sẽ không lơ là diệt lăng quăng” - ông Toàn cho biết thêm.

Hiện phường Bình Trị Đông A có 77.760 người dân nên nguy cơ mắc SXH sẽ cao nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.•

Kiên quyết phạt để kéo giảm ca bệnh sốt xuất huyết

BS Trần Hùng, Trưởng phòng Y tế quận Bình Tân, cho biết ngoài phường Bình Trị Đông A và phường Bình Hưng Hòa B, nhiều phường còn lại trên địa bàn quận Bình Tân cũng đã phạt hành vi không diệt lăng quăng để phòng chống SXH.

Theo bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12 (TP.HCM), Hiệp Thành là phường đầu tiên của quận ra quyết định phạt hành vi không thực hiện triệt để hoạt động phòng chống SXH.

“Ngoài thực hiện các biện pháp phòng ngừa SXH theo khuyến cáo của ngành y tế, UBND quận 12 còn chỉ đạo các phường tăng cường kiểm tra những điểm nguy cơ SXH. Một khi phát hiện còn lăng quăng thì nhắc nhở và cho tổ chức hoặc cá nhân làm cam kết. Tuy nhiên, nếu vẫn còn lăng quăng thì phạt tiền theo đúng quy định. Kiên quyết xử phạt sẽ kéo giảm ca mắc SXH trên địa bàn quận 12” - bà Chính chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm