Chỉ đống rác vừa gom, bà Nguyễn Thị Thanh Mai (46 tuổi, khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) nói: “Cứ đầu tuần là bà con trong tổ chung tay dọn sạch những hộp cơm, ly nhựa đọng nước bị quăng bừa bãi ven đường, đất trống, nơi công cộng để lăng quăng không có điều kiện sinh sôi, phát triển. Đang mùa sốt xuất huyết (SXH), bà con giữ vệ sinh chung để dịch bệnh không gia tăng”.
Diệt lăng quăng bằng mọicách
Bà Mai còn cho biết không chỉ dọn sạch rác thải ở lề đường, đất trống, nơi công cộng…, bà con trong tổ còn làm nhiều cách để giảm nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH tại nhà.
“Nhà nào có dùng lu chứa nước thì đậy kín và súc rửa hằng tuần. Đồ vật trong nhà không còn sử dụng thì sắp xếp gọn gàng hoặc tiêu hủy. Thả cá bảy màu vô chậu nước trồng cây cảnh, hồ tiểu cảnh. Trong nhà có muỗi thì dùng vợt điện, nhang muỗi, bình xịt muỗi… để diệt” - bà Mai cho biết thêm.
Bà con khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM tham gia vệ sinh môi trường. Ảnh: TRẦN NGỌC |
“Tôi có gần 10 phòng trọ. Tôi yêu cầu những người ở trọ dọn dẹp, thu gom các vật dụng chứa nước, đồ vật linh tinh và tuyệt đối không để nước đọng thành vũng. Kỹ càng một chút để tránh bị muỗi vằn đốt, truyền bệnh SXH” - bà Mai chia sẻ.
Tương tự, do nhà kinh doanh ve chai, phế liệu nên ông Trần Minh Hoàng (48 tuổi, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cũng cố gắng giữ vệ sinh môi trường để ngừa bệnh SXH.
“Tôi dọn sạch và không để nước đọng trong ve chai, phế liệu. Tôi cũng vận chuyển ve chai, phế liệu hằng ngày để tránh gây đọng nước. Phế liệu nào chưa chuyển kịp, tôi để gọn gàng. Chỗ nào đọng nước có lăng quăng, tôi rải hóa chất ngay” - ông Hoàng nói.
Quận 12 cố gắng không để tử vong do sốt xuất huyết
Năm nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nên bệnh SXH trên địa bàn quận 12 cơ bản được kiểm soát. Mỗi tuần ngành y tế của quận chỉ xử lý trên dưới 10 ổ dịch mới. Với số dân khoảng 700.000 người, số ca mắc bệnh SXH không cao hơn 2.100. Điều đáng quan tâm là không để xảy ra trường hợp tử vong do bệnh SXH.
BS VŨ ĐỨC DIỄN, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật thuộc Trung tâm Y tế quận 12, TP.HCM
Người dân và chính quyền hợp sức chặn SXH
Bà Phan Thị Mịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cho biết trong tháng 6-2022, UBND phường kiểm tra 129 điểm nguy cơ SXH tại 14 khu phố và phát hiện 13 điểm nguy cơ có lăng quăng.
“UBND phường yêu cầu chủ nhân của 13 điểm nói trên ký cam kết. Trong lần kiểm tra tiếp theo, nếu lăng quăng vẫn còn thì UBND phường ra quyết định xử phạt theo quy định” - bà Mịnh cho biết thêm.
Một trong những giải pháp để ngăn chặn bệnh SXH của UBND phường Bình Hưng Hòa B là luôn kiểm tra, giám sát tất cả điểm nguy cơ. Tại bến xe, UBND phường yêu cầu ban quản lý phân công mỗi ngày có người thu gom, tiêu hủy vật phế thải. Nếu bến xe không có ban quản lý, mỗi tuần UBND phường huy động các lực lượng và bà con tham gia vệ sinh môi trường.
Quận 12, TP.HCM phun hóa chất diệt lăng quăng ở những điểm nguy cơ sốt xuất huyết. Ảnh: TRẦN NGỌC |
“Tại nhà trọ, UBND phường yêu cầu chủ nhà trọ và tổ diệt lăng quăng tại khu phố giám sát các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm. Đối với cơ sở thu gom, tái chế vỏ xe có đăng ký kinh doanh, UBND phường yêu cầu vận chuyển trong ngày để tránh tình trạng đọng nước. Đối với cơ sở chăn nuôi được phép, UBND phường yêu cầu vệ sinh môi trường và chuồng trại, sắp xếp gọn gàng vật dụng không sử dụng, xử lý vật dụng phế thải và diệt lăng quăng.
UBND phường tổ chức dọn dẹp, thu gom vật dụng có chứa nước và rải hóa chất khi phát hiện có lăng quăng…” - bà Mịnh nói thêm.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, cho biết trên địa bàn xã hiện còn bảy điểm nguy cơ SXH. “UBND xã đang tiến hành phun hóa chất và diệt lăng quăng tại bảy điểm nói trên” - ông Thảo nói.
Ngoài thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh SXH theo hướng dẫn của ngành y tế, UBND xã còn theo dõi, phát hiện sớm ca bệnh để kiểm soát và xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả.
“UBND xã đưa ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào sử dụng để phát hiện sớm các ca mắc bệnh SXH, ổ dịch và theo dõi, xử lý ca bệnh, ổ dịch” - ông Thảo cho biết thêm.
Tái phạm để phát sinh lăng quăng sẽ bị xử phạt
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì ngày 27-6, BS CKII Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM đã có 10 ca tử vong do bệnh SXH.
Trước tình hình dịch bệnh SXH có nguy cơ bùng phát, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP yêu cầu các quận, huyện triển khai các hoạt động diệt lăng quăng và tập huấn khối y tế dự phòng xử lý ổ dịch từ tuyến TP đến trạm y tế…
BS Hưng cho biết vào ngày 26-6, có 17 quận, huyện và TP Thủ Đức đã ra quân diệt lăng quăng.
Mặc dù vậy, theo BS Hưng, khi có đợt cao điểm diệt lăng quăng thì các đơn vị, người dân tham gia nhưng chưa trở thành phong trào thường xuyên. Điều này dẫn đến việc khống chế dịch bệnh khó khăn và không bền vững.
Bên cạnh đó, nếu như từ năm 2015 đến 2019, Sở Y tế đã tập huấn việc xử phạt phòng chống dịch và cụ thể là dịch bệnh SXH theo Nghị định Xử lý vi phạm hành chính 176 thì toàn TP đã ra được 500 quyết định. Tuy nhiên từ năm 2020, Nghị định 117 thay thế Nghị định 116 ra đời trong bối cảnh tập trung phòng chống dịch, Sở Y tế chỉ mới tập huấn tháng đầu tiên cho các quận, huyện, vì vậy việc xử phạt vẫn còn chậm, chỉ có chín quyết định được lập. “Chúng tôi ghi nhận đây là kết quả bước đầu, chuyển tải thông điệp vận động thuyết phục là chính nhưng thực hiện không đúng vẫn có thể xử phạt” - BS Hưng nói và cho biết nơi nào để phát sinh lăng quăng phải ký cam kết và 7-10 ngày sau vẫn tái phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. H.LAN