1.000 là số trường hơp bị phạt do không chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) từ năm 2015 đến nay. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, TP.HCM đã ra quyết định xử phạt 64 trường hợp. Dự báo con số xử phạt sẽ tăng khi TP mới bước vào đầu mùa dịch.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo như trên về công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn TP.HCM tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH diễn ra ngày 19-7.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM. Ảnh: HL
Theo ông Hưng, Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính những trường hợp cố tình không thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã giải quyết điểm nghẽn trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia của toàn dân.
"Trước năm 2015, những trường hợp cố tình để phát sinh ổ lăng quăng, bọ gậy tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi truyền bệnh vẫn chưa có quy định xử phạt, do đó không thể làm gì được. Sau nhiều lần nhắc nhở thì ngành y tế vẫn phải xắn tay vào làm", ông Hưng nói.
Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 7-2019, cả nước có hơn 96.000 ca mắc SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các địa phương có số ca mắc SXH tăng cao là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Bạc Liêu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Đáng lo ngại TP.HCM là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất cả nước với 27.153 ca, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Tương tự, tỉnh Đồng Nai cũng có số ca mắc SXH cao, chỉ 6 tháng đầu năm 2019, Đồng Nai đã ghi nhận 5.093 ca mắc, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.