Hải cảnh Trung Quốc hung hăng ra sao ở Biển Đông?

Trước thông tin Trung Quốc (TQ) đang chờ thông qua dự luật Hải cảnh với nhiều điều khoản cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ lực, nhiều người lo ngại lực lượng bán quân sự này của Bắc Kinh sẽ càng có cớ để gây hấn ở Biển Đông, biển Hoa Đông.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng ở Biển Đông, đe dọa và bắt nạt tàu thuyền các nước. Ảnh: SCMP/AP

Quấy rối, truy đuổi ngư dân các nước 
Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2020, hải cảnh TQ đã nhiều lần quấy rối hoạt động khai thác tài nguyên, truy đuổi ngư dân nhiều nước. Mới nhất, chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) - thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ thông tin hôm 19-11, tàu hải cảnh TQ (số hiệu 5402) đã gây rối ở vùng biển cách bang Sarawak (thuộc Malaysia) chỉ hơn 81 km. 
Vào các tháng 4, 6, 7 năm nay, hải cảnh TQ cũng liên tục truy đuổi, quấy rối ngư dân Việt Nam (VN), gây nhiều thiệt hại về tài sản, sức khỏe ngư dân, đồng thời đe dọa nghiêm trọng chủ quyền VN. Ngoài VN thì Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Ngoại giao Philippines và dư luận quốc tế cũng đã lên tiếng chỉ trích TQ. 
Trong năm 2018, 2019, hải cảnh TQ cũng nhiều lần ức hiếp tàu cá các nước. Một trong những vụ quấy rối nghiêm trọng đã được truyền thông ghi nhận là sự việc hôm 6-3-2019. Tàu cá VN mang số hiệu QNg 90819 TS cùng năm ngư dân đang neo đậu tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN thì tàu hải cảnh TQ mang số hiệu 44101 xuất hiện, dùng vòi rồng xua đuổi tàu cá. Tàu cá VN sau đó đâm vào rạn đá ngầm rồi chìm tại Hoàng Sa, đồng thời bị phía TQ bỏ mặc. Các ngư dân sau đó may mắn được một tàu cá khác của VN hỗ trợ, cứu sống. Bộ Ngoại giao VN sau đó đã có buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán TQ tại VN nhằm trao công hàm phản đối hành động vi phạm pháp luật của tàu TQ.

Cái gọi là “vùng biển của TQ” đã bị tòa bác từ năm 2016

Hải cảnh Trung Quốc hung hăng ra sao ở Biển Đông? ảnh 2
 

Có lý do để lo ngại về phạm vi áp dụng dự luật hải cảnh của TQ. dự thảo luật có hiệu lực ở các “vùng biển mà TQ có quyền tài phán”. Khái niệm này được TQ áp đặt cho hầu hết khu vực Biển Đông. Trong khi hầu hết vùng biển này được các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền và một phần thuộc về sở hữu chung của toàn nhân loại. Sự khẳng định mạnh mẽ của TQ rằng họ có quyền tài phán tại các vùng biển nói trên đã bị Tòa Trọng tài ở Hague (Hà Lan) bác bỏ hồi năm 2016. 

Chuyên gia RYAN MARTINSON, Viện Nghiên cứu hàng hải TQ, ĐH Hải chiến Mỹ (theo tạp chí The Economist)
 

Nhiều lần bị tố vi phạm chủ quyền
Hồi giữa tháng 9, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết đã liên lạc với đại diện TQ ở Jakarta để phản đối tàu hải cảnh TQ (mang số hiệu 5204) xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở gần khu vực Natuna của Indonesia, nằm phía nam Biển Đông. TQ lâu nay khẳng định vùng biển xung quanh Natuna là ngư trường truyền thống đối với ngư dân TQ. Trái lại, Indonesia bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” vì nó vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Cuối năm 2019, Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã từng ra thông báo tố tàu hải cảnh TQ xâm phạm EEZ của Indonesia và gọi đó là hành vi “vi phạm chủ quyền”. Indonesia cũng cho biết đã triệu tập đại sứ TQ để phản đối.
Không chỉ nhắm vào Indonesia, hải cảnh TQ cũng nhiều lần xâm phạm chủ quyền của VN. Giữa tháng 4-2020, theo dữ liệu từ Marine Traffic (trang web theo dõi dữ liệu hàng hải), một số tàu của lực lượng hải cảnh TQ đã hộ tống tàu khảo sát Địa chất hải dương 8 đi vào EEZ của VN. Hồi tháng 7-2019, chính tàu khảo sát này dưới sự hộ tống của một nhóm tàu hải cảnh đã một lần xâm phạm nghiêm trọng EEZ và thềm lục địa của VN, bị phía VN và dư luận quốc tế kịch liệt phản đối.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm