Trung Quốc thông qua một luật có quy định rõ ràng rằng lực lượng hải cảnh nước này được quyền nổ súng vào các tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền của mình, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 22-1, cơ quan lập pháp cấp cao nhất ở Bắc Kinh là Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh Trung Quốc.
Theo dự thảo được công bố trước khi luật trên được thông qua, Hải cảnh Trung Quốc sẽ được quyền sử dụng "mọi phương tiên cần thiết" để ngăn chặn hoặc phòng ngừa cái mà họ coi là nguy cơ từ tàu nước ngoài.
Dự luật nêu rõ những trường hợp mà các nhân viên thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc có thể sử dụng có loại vũ khí khác nhau như vũ khí cầm tay, pháo và tên lửa được trang bị trên tàu hoặc cho trực thăng hỗ trợ tấn công.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc được trang bị 1 súng 76 mm và một số súng 30 mm hỗ trợ. Ảnh: ASIAN MILITARY REVIEW
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn được quyền phá dỡ những công trình do các quốc gia khác xây dựng trong vùng biển đảo mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền phi pháp, cũng như lên khám xét tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển này.
Dự luật cũng trao quyền cho Hải cảnh Trung Quốc lập ra các vùng cấm trên biển khi mà Bắc Kinh tự coi là "cần thiết".
Nội dung sau cùng của Luật Hải cảnh Trung Quốc chưa được công bố.
Từ cuối năm 2020, khi cơ quan lập pháp Trung Quốc đưa ra thảo luận Dự luật Hải cảnh, giới phân tích đã quan ngại sâu sắc, coi đây là động thái có thể gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và tạo cớ để nước này ngang nhiên bắt nạt các nước láng giềng.
Trả lời câu hỏi liên quan tới những lo ngại trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm 22-1 lặp lại lập trường của Bắc Kinh rằng Luật Hải cảnh Trung Quốc phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại luật này lại được áp dụng trên vùng biển mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, xâm phạm lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khu vực.
Hải cảnh Trung Quốc là lực lượng được Bắc Kinh lập ra để làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, nằm dưới sự quản lý của Cảnh sát Vũ trang nhân dân Trung Quốc (từ năm 2018).
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc trao thêm quyền cho lực lượng hải cảnh vì đây là lực lượng được vũ trang tốt, trong khi không có tư cách pháp lý như hải quân. Nếu hải quân Trung Quốc lạm dụng quyền lực và nổ súng trước, đi ngược với tinh thần của Liên Hợp Quốc thì quân đội các nước bị tấn công có thể tự vệ một cách hợp pháp bằng vũ lực.