Ukraine trông đợi phương Tây giúp đối phó Nga

Hiện vẫn chưa thấy có dấu hiệu Nga sẽ rút lượng quân đã điều đến sát biên giới với Ukraine cũng như ở bán đảo Crimea, mà theo thông tin từ Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thì số quân này lên đến 150.000 chứ không phải 110.000 như ước tính trước đó của Bộ Quốc phòng Ukraine. Ông Borrell từ chối tiết lộ ông lấy thông tin này từ đâu nhưng cho biết ngoài lượng lớn quân và khí tài Nga còn triển khai cả nhiều bệnh viện dã chiến và tất cả những gì phục vụ chiến tranh, theo hãng tin AP.

Tướng Victor Hanushchyak, Phó chỉ huy chiến dịch lực lượng hỗn hợp Ukraine ở miền Đông, cho rằng mục tiêu các hành động gần đây của Nga là nhằm “đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn việc (chính phủ Ukraine) giành lại các vùng lãnh thổ bị (lực lượng ly khai) chiếm đóng tạm thời”.

Ukraine tìm đến phương Tây

Tình trạng này khiến Ukraine lo lắng và nước này đã có nhiều động thái tìm đến phương Tây để nhờ giúp đỡ.

Động thái mới nhất, ngày 19-4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã tham dự cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng EU bàn về các khúc mắc với Nga hiện tại.

Phía EU nói việc Nga triển khai một lượng lớn quân như vậy đến sát Ukraine chỉ là mồi lửa dễ bén dẫn đến đối đầu, xung đột. Ông Borrell nhận định “quan hệ với Nga không tiến triển, ngược lại căng thẳng lại tăng trên nhiều mặt trận khác nhau”.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Kuleba đã yêu cầu EU trừng phạt Nga. Viết trên Twitter sau cuộc họp, Ngoại trưởng Kuleba cho biết: “Tôi đã đề xuất một kế hoạch từng bước làm sao để Moscow chùn bước leo thang thêm nữa. Yếu tố chủ chốt: Chuẩn bị một gói trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực của nền kinh tế. Trừng phạt cá nhân không còn hiệu quả nữa”.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis hy vọng châu Âu sẽ “thống nhất trong phát ngôn rằng Nga cần phải rút quân đi và chấm dứt leo thang căng thẳng”, cũng như cần làm rõ với Nga rằng EU “sẵn sàng cân nhắc trừng phạt nếu lằn ranh đỏ bị vượt qua”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đang tìm kiếm khả năng tổ chức cuộc gặp bốn bên trong nhóm tứ tấu Normandy gồm Ukraine, Nga, Pháp, Đức. Để chuẩn bị cho khả năng này, ngày 16-4, Tổng thống Zelensky đã sang Pháp gặp Tổng thống Emmanuel Macron, đối thoại trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel, kêu gọi phương Tây giúp đỡ. 

Theo AP, Tổng thống Zelensky cũng đang cố gắng huy động sự ủng hộ từ EU và từ khối an ninh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đối phó với Nga.

Ngày 10-4, Tổng thống Zelensky cũng sang Istanbul gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với mục đích tìm sự ủng hộ. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO. Ông Zelensky có lý do để trông đợi vào Thổ Nhĩ Kỳ - nước không công nhận chuyện Nga sáp nhập Crimea và thường có các tuyên bố ủng hộ Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đón tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) tại điện Elysee ở Paris (Pháp) ngày 16-4. Ảnh: AP

Tôi đã nói rất trực tiếp và rất thực lòng rằng điều chúng tôi cần lúc này là hành động nhanh chóng. Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề của chúng tôi mà còn là về sự an toàn của châu Âu.

 Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY 

Nhận lại sự mơ hồ

Chưa biết phương Tây sẽ giúp Ukraine thế nào, tuy nhiên ngày 19-4, Cao ủy Đối ngoại EU Borrell dù kêu gọi Nga rút quân nhưng cũng nói: “Thời điểm này không có bước đi trừng phạt nào thêm” với Nga. Ông Borrell còn nói EU sẽ không có bước đi ngoại giao can thiệp vào cuộc chiến trả đũa trục xuất nhà ngoại giao lẫn nhau giữa nước thành viên Cộng hòa Czech với Nga.

AP cũng dẫn lời nhiều nhà ngoại giao châu Âu rằng chuyện ra các lệnh trừng phạt mới với Nga ngay lập tức là ít có khả năng nếu không muốn nói là không. Tuy nhiên, họ sẽ tìm cách áp thêm nhiều áp lực lên Nga qua các kênh ngoại giao.

Đối thoại với ông Zelensky, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức nhấn mạnh sự ủng hộ với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine. Còn tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Erdogan chỉ đề cập rằng hai nước sẽ tiếp tục phối hợp hành động nhằm giảm sự chiếm đóng ở Crimea cũng như ở các vùng Donetsk và Luhansk ở Đông Ukraine.

Tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bỉ tham vấn trong khuôn khổ NATO về tình hình Ukraine và cũng có gặp cả Ngoại trưởng Kuleba. Tuy nhiên, theo nhà phân tích, tình hình châu Âu Dimitar Bechev tại Viện Khoa học con người ở Áo, khả năng lớn NATO cũng sẽ kiềm chế mạnh tay với Nga.

Có thể thấy những gì Ukraine nhận được từ phương Tây cho đến lúc này chỉ là những lời kêu gọi chứ chưa có bước đi thực chất. Còn nhớ bảy năm qua, EU vẫn thường xuyên lên tiếng phản đối chiến sự giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở Đông Ukraine sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014, làm hơn 14.000 người chết nhưng đã không thể làm gì về sự việc sáp nhập.

Tuy thế cũng có thông tin khởi sắc cho Ukraine là hiện Pháp và Đức đang nỗ lực làm cầu nối đối thoại giữa các lãnh đạo Ukraine và Nga. Hai nước này là cầu nối giúp đạt được thỏa thuận hòa bình Minks ký năm 2015.

Cuộc gặp gần nhất giữa hai bên Nga và Ukraine diễn ra ở Paris hồi tháng 12-2019 dù có giúp giảm căng thẳng nhưng không tạo được bất cứ tiến triển nào để đạt được một giải pháp chính trị giúp chấm dứt xung đột ở Đông Ukraine.

Nga muốn Ukraine tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn

Phần Nga, ngày 16-4, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga hy vọng Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel sẽ thuyết phục được Tổng thống Ukraine Zelensky tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn cũng như thi hành thỏa thuận hòa bình Minks.

Nga cũng hy vọng các lãnh đạo Pháp và Đức “dùng ảnh hưởng của mình chuyển tải sự cần thiết phải chấm dứt tuyệt đối mọi hành động khiêu khích dọc đường kiểm soát, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ vô điều kiện thỏa thuận ngừng bắn”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm