Đó là thông tin được TS. Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết tại Hội thảo BHXH Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển do Ban Kinh tế trung ương và BHXH Việt Nam tổ chức vào sáng 15-9.
Theo ông Sinh, đến năm 2023, số thu BHXH bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích sử dụng thêm kết dư của quỹ BHXH của các năm trước. Dự kiến đến năm 2037 thì quỹ BHXH mất khả năng thanh toán nếu không có chính sách và các giải pháp tăng thu hoặc giảm chi số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả.
“Nguyên nhân chính dẫn đến việc vỡ quỹ BHXH là do quan hệ đóng – hưởng mất cân đối, mức đóng góp chưa tương xứng với mức hưởng. Cụ thể tổng mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22%, trong khi mức hưởng tối đa là 75%”, ông Sinh nói.
Thêm vào đó, tỉ lệ hưởng lương hưu cao do cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu chưa hợp lí. Cụ thể là 75% cho 30 năm đóng BHXH đối với nam và 25 năm đối với nữ. Tuổi nghỉ hưu bình quân còn thấp dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn và tăng thời gian hưởng BHXH. Tiền lương bình quân để tính lương hưu đối với người lao động trong khu vực nhà nước chỉ tính đối với một số năm cuối.
Báo cáo về tình hình nợ BHXH, ông Sinh cho biết từ năm 2006 đến nay hầu hết năm nào cũng có tình trạng nợ chậm đóng BHXH. Tính đến ngày 31-8, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN là 11.651,7 tỷ đồng. Trong đó riêng nợ BHXH gần 8.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ chậm đóng BHXH theo ông Sinh là do mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, nên nhiều DN chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Ngoài ra do tình trạng một số đơn vị khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các DN ngành xây dựng, thủy lợi và giao thông vận tải, chủ đầu tư chậm thanh toán nên đơn vị không đủ kinh phí trả lương và đóng BHXH cho người lao động. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại chưa thực hiện trích tiền từ tài khoản của các DN nợ BHXH để đóng BHXH theo quy định.
Ông Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, bộ Tư pháp cho biết từ năm 2010 – 2013, các cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 4.000 vụ DN nợ BHXH ra tòa án với số nợ 1.790 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng số tiền thu được chỉ trên 733 tỷ đồng, chưa đạt 50%. Trong đó số tiền thu được qua hòa giải là 270 tỷ đồng và qua xét xử hơn 463 tỷ đồng.
“Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác thi hành án nhưng số bản án được thi hành chỉ đạt 77% và số tiền thu được chỉ đạt 41% trong tổng nợ BHXH đề nghị thu hồi. Thực tế hiện nay còn một số lượng lớn các bản án, quyết định của tòa trong lĩnh vực BHXH không được thi hành. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân và nhà nước”, ông Đạt lưu ý.