Quy định 114 ngăn chặn việc dùng quyền lực cá nhân để trục lợi

Quy định 114 ngăn chặn việc dùng quyền lực cá nhân để trục lợi

(PLO)- Quy định 114 sẽ giúp khắc phục tình trạng sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế Quy định 205/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, nhấn mạnh quy định là bước tiến quan trọng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, đặc biệt là khắc phục câu chuyện “cả họ làm quan” tồn tại lâu nay.


TS Vũ Trung Kiên.
TS Vũ Trung Kiên.

Hạn chế sân sau, lợi ích nhóm

. Phóng viên: Thưa ông, trong Quy định 114 lần này có những điểm mới nào đáng chú ý hơn so với Quy định 205?

+ TS Vũ Trung Kiên: Có thể thấy các quy định của Đảng về công tác cán bộ ngày càng được hoàn thiện, Quy định 114 so với Quy định 205 đã chi tiết, hoàn thiện hơn về công tác này và có rất nhiều điểm mới.

Ngoài mở rộng phạm vi điều chỉnh, Quy định 114 đã dành hẳn một chương với ba điều để liệt kê, giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đây có thể xem là những nội dung “đột” vào các khâu nhân sự, hạn chế tình trạng để lọt những người không xứng đáng, những kẻ cơ hội, lợi ích nhóm, thân hữu, sân sau… vào bộ máy.

Cụ thể, Điều 3 quy định tám hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ đã kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền từ Quy định 205; còn lại được bổ sung nhiều hành vi mới.

Quy định 114 giúp ngăn chặn việc dùng quyền lực cá nhân để trục lợi. Ảnh minh họa: DAD

Quy định 114 giúp ngăn chặn việc dùng quyền lực cá nhân để trục lợi. Ảnh minh họa: DAD

Quy định 114 cũng bổ sung các hành vi về chạy chức, chạy quyền như chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện để có được chức vụ, quyền lợi.

Về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, quy định lần này được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ...

Đặc biệt, Điều 6 đã quy định việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra còn có người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan thuộc 13 ngành gồm nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, KH&ĐT, TN&MT, quân đội, công an, tòa án, VKS ở trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương, cũng sẽ không được bố trí đảm nhiệm các chức danh liên quan nếu có mối quan hệ gia đình.

Tôi cho rằng đây là quy định rất mới và rất khó, đặt ra nhiều thách thức trong cấp ủy, tổ chức Đảng cũng như trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Cạnh đó, Quy định 114 đã quy định rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cụ thể, phải chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực đối với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu hoặc khi cần thiết.

Có thể khẳng định với việc ban hành Quy định 114, các quy trình về công tác cán bộ ngày càng thống nhất, đồng bộ. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước đây.

Trong hội nghị quán triệt Quy định 114, về việc không bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen đảm nhận, đảm nhiệm các chức danh có liên quan đối với 13 ngành nghề, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn của cán bộ.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng người đứng đầu cần phải lưu ý điều này. “Ban Tổ chức Trung ương sẽ phối hợp để rà soát, xem xét, bố trí với những trường hợp này. Người đứng đầu cần phải chủ động rà soát trong phạm vi, quyền hạn của mình” - bà Mai cho hay.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, sau ba năm triển khai thực hiện Quy định 205 đã phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp. Đình chỉ công tác, chức vụ năm trường hợp vi phạm trong công tác cán bộ; tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, điều động, luân chuyển với 190 trường hợp…

“Đúng quy trình” nhưng chỉ đi thẳng vào nhà lãnh đạo

. Ông vừa chỉ ra những quy định rất cụ thể, chi tiết 13 ngành nghề cấm bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm lãnh đạo cơ quan, đơn vị tại Quy định 114. Lý do sâu xa của việc này là gì, thưa ông?

+ Chúng ta đã từng chứng kiến những câu chuyện cười ra nước mắt kiểu cha làm trưởng, con làm phó. Hay hàng loạt họ hàng của bí thư tỉnh nọ nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy tỉnh; rồi ở một huyện có hàng chục người là anh em họ hàng với bí thư huyện ủy, rồi chồng quy hoạch vợ làm lãnh đạo… Tất cả câu chuyện ấy cuối cùng đều được giải thích là “đúng quy trình”. Chỉ có điều lạ là sao các quy trình này lại “đi thẳng” vào người nhà lãnh đạo.

Lâu nay dư luận cũng râm ran câu chuyện “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ và thứ năm… mặc kệ”. Dị bản có thể khác nhau nhưng đó là điều nhức nhối mà dân gian truyền tụng bấy nay và các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước cũng đã phải lên tiếng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh về điều này.

Do vậy, lần này Quy định 114 quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan đối với 13 ngành nghề thể hiện sự quyết tâm đó của Bộ Chính trị. Không những vậy, quyết tâm này còn phải thể hiện ở từng cấp ủy Đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên.

Nếu tất cả kiên quyết thực hiện tốt nội dung này chắc chắn sẽ hạn chế được những câu chuyện “cả họ làm quan” đã từng ồn ào trong những năm trước đây.

. Bộ Chính trị cũng quy định trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao thì phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí. Phải chăng đây là quy định mở để không bỏ lỡ những nhân sự thực sự giỏi, có mong muốn cống hiến, phục vụ trong bộ máy nhà nước?

+ Không có bất cứ quy định nào có thể bao quát hết được mọi vấn đề. Do đó, việc quy định trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí chính là quy định mở tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Thực ra trên thế giới, câu chuyện truyền thống làm lãnh đạo của các gia tộc không phải là hiếm. Chẳng hạn, gia tộc Nehru - Gandhi ở Ấn Độ nhiều đời làm lãnh đạo, gia tộc Kennedy ở Mỹ, gia tộc Bush. Đến vị thủ tướng của Singapore hiện nay cũng là con trai của nhà lập quốc Lý Quang Diệu…

Yếu tố về truyền thống gia đình là những điều kiện, xúc tác thuận lợi và họ luôn luôn phấn đấu bằng năng lực thật sự của bản thân, được xã hội chấp nhận thông qua con đường tranh cử thật sự dân chủ.

Ở đây, nếu báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp và được chấp thuận cùng với việc thực hiện các quy trình dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch thì chính là cách để không bỏ lọt người có năng lực và tâm huyết.

. Xin cảm ơn ông.

Nhắc nhở việc “sân trước”, “sân sau” của cán bộ

Lâu nay chúng ta vẫn nghe râm ran đâu đó về việc lãnh đạo này, lãnh đạo kia có “sân trước”, “sân sau” song hầu như đều là “khẩu thiệt, vô bằng”. Vì sao vậy?

Bởi theo luật, cán bộ, công chức không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã; không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định…

Dù không trực tiếp đứng tên song những cán bộ thoái hóa, biến chất đã lợi dụng vị trí, quyền lực được giao để móc ngoặc trong ngoài, trục lợi. Vụ chuyến bay giải cứu là minh chứng.

Chúng ta không thể chỉ trông vào một quy định để hy vọng nó sẽ mang đến đột phá căn bản mà cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó không thể không nêu cao trách nhiệm gương mẫu của những người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý.

Khi có những quy định chặt chẽ như Quy định 114 thì đó vừa là những ràng buộc nhưng đồng thời cũng là những nhắc nhở để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ các cương vị quan trọng tự soi rọi, điều chỉnh, tu dưỡng và gương mẫu trong công việc, chức trách của mình.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng có kế hoạch nhằm cải thiện, khắc phục và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP năm 2023. Trong đó, yêu cầu lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện giám sát công chức trong thực thi công vụ, không để xảy ra hiện tượng công chức có doanh nghiệp “sân sau” hoặc doanh nghiệp “thân hữu”, gây bất bình đẳng trong giải quyết công việc. Tôi cho rằng đây cũng là một giải pháp có tính sát hợp và khả thi nhằm thực hiện đồng bộ các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay.

TS VŨ TRUNG KIÊN

Đọc thêm