Bộ Chính trị quy định cấm bố trí người thân làm lãnh đạo ở 13 ngành

(PLO)- Quy định 114 của Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ vừa được Bộ Chính trị ban hành nhằm thay thế cho Quy định 205/2019.

Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ vừa được Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành. Ảnh: PLO

Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ vừa được Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành. Ảnh: PLO

Ngoài ra, Quy định mới của Bộ Chính trị cũng yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành.

Những ngành này bao gồm: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

“Trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp uỷ cấp trên trực tiếp trước khi bố trí” – Bộ Chính trị nêu rõ và yêu cầu đối với chức danh thuộc diện cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý thì phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương. Còn với các chức danh thuộc diện Trung ương quản lý thì phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Quy định 205 trước đó nêu không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Người có quan hệ gia đình là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) theo quy định của pháp luật.

Như vậy so với quy định 205/2019, quy định lần này đã nêu rõ và chi tiết hơn những ngành nghề cấm bố trí những người có quan hệ gia đình.

Liên quan đến việc xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, quy định nêu rõ trường hợp bị khiển trách thì sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ.

Trường hợp bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ.

Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị cách chức thì sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ.

Tất cả những trường hợp này đều không được không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Riêng trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động...

Quy định 114 của Bộ Chính trị cũng quy định 19 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Trong đó, chỉ rõ tám hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn; sáu hành vi chạy chức, chạy quyền và năm hành vi tiêu cực khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm