Nghị định 43/2020 có hiệu lực từ ngày 15-4 tới, quy định chi tiết về thuốc tiêm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình thực hiện… của việc thi hành tử hình bằng tiêm thuốc độc.
Ba loại thuốc dùng để tử hình
Theo nghị định, một liều thuốc dùng để thi hành án tử sẽ gồm ba loại (làm mất tri giác, làm liệt hệ vận động, làm ngừng hoạt động của tim) và chỉ dùng cho một người.
Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; được bảo quản theo điều kiện ghi trên nhãn liều thuốc, hướng dẫn của đơn vị cung cấp.
Ảnh minh họa
Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù thuốc hằng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình.
Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục thuốc, liều lượng thuốc sử dụng, quy trình sử dụng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình.
Các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình gồm giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án; máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án…
Người bị thi hành án tử hình sẽ được ăn, uống bữa cuối bằng năm lần tiêu chuẩn của ngày lễ, tết quy định đối với người bị tạm giam, viết thư và ghi âm lời nói cuối cùng.
Chi tiết quy trình tiêm thuốc
Cũng theo nghị định, thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định. Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu.
Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chuẩn bị đủ ba liều thuốc (trong đó có hai liều dự phòng); xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm rồi đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định.
Đầu tiên là tiêm thuốc làm mất tri giác. Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất tri giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất tri giác.
Tiếp đó là tiêm thuốc làm liệt hệ vận động. Cuối cùng là tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng.
Mỗi lần tiêm thuốc sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba.
Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết thì đội trưởng đội thi hành án phải báo cáo chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.