Việc chậm ra hướng dẫn là do Bộ LĐ-TB&XH đang chờ ý kiến đóng góp của các địa phương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng lương vào đầu năm nay nên Bộ đang cân nhắc.
Dù chưa có hướng dẫn thi hành Luật BHXH, tuy nhiên Bộ đã có Thông tư 47 về hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động. Trong đó Bộ đã quy định tương đối rõ về mức đóng BHXH. Cụ thể, phụ cấp lương được hiểu là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đủ. Riêng các khoản bổ sung khác phải có lộ trình. Cụ thể, đến 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Ông Huân cũng cho biết Bộ đã thống nhất với BHXH Việt Nam nếu đến 1-1-2016, thông tư hướng dẫn thi hành luật BHXH năm 2014 chưa kịp ban hành thì trong tháng 1-2016, mức đóng BHXH sẽ được đóng theo mức cũ (dựa vào bảng lương).
Cùng ngày, Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết thông tư sẽ có hướng dẫn theo hướng những khoản sẽ không được cộng vào lương để tính BHXH, gồm tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại,
điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ,…
Cũng theo bà Nga, việc ngăn chặn doanh nghiệp tìm cách “lách” các khoản tính đóng bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào công tác thanh tra. Đặc biệt, từ năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ có thêm nhiệm vụ thanh tra việc đóng bảo hiểm. Bà Nga thừa nhận thời gian qua nhiều doanh nghiệp lạm dụng tiền đóng BHXH của người lao động để phục vụ sản xuất, thay vì phải đi vay
ngân hàng với lãi suất cao và các thủ tục rườm rà.
Việc chậm đóng BHXH, lãi chậm đóng chỉ bằng 1% lãi suất đầu tư, nên nhiều doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Tuy nhiên, sắp tới lãi suất chậm đóng tăng lên 2%. Ngoài ra, hiện việc trốn đóng, lạm dụng tiền đóng BHXH của các đơn vị đã được
Bộ luật Hình sự quy định, nếu vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên sắp tới chắc chắn sẽ hạn chế được việc chậm đóng BHXH.
“Bên cạnh đó, 6 tháng
doanh nghiệp phải công khai việc tham gia BHXH của doanh nghiệp mình một lần tới người lao động, nên người lao động có thể giám sát để phản ánh với cơ quan chức năng", bà Nga nói.