Quy định từ chức ‘cảnh tỉnh’ cán bộ không đủ uy tín, năng lực

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này là sự thể chế hóa chủ trương thành quy định cụ thể của Đảng, trong đó có vấn đề từ chức. Qua đó tạo ra một cơ chế mà những người còn đương chức nhưng không xứng đáng với chức vụ đang đảm nhiệm thì phải từ chức hoặc bị miễn nhiệm. Quy định này thay thế Quy định 260 của Bộ Chính trị ban hành năm 2009.

Báo Pháp Luật TP.HCMcó cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM về việc này.

Tiến sĩ Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Khắc phục tâm lý làm việc ‘cầm chừng’ của cán bộ

. Phóng viên: Thưa bà, Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có những điểm mới nào đột phá so với Quy định 260/2009?

+ TS Trần Thị Hà Vân: Bộ Chính trị ban hành quy định 41 trên cơ sở bổ sung, phát triển quy định 260. Với quy định này, Bộ Chính trị đã quy định rất cụ thể, chi tiết các trường hợp miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Cụ thể, quy định nêu rõ khi có đủ căn cứ thì kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Đồng thời cũng quy định rõ thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức. Cũng theo quy định này, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức.

Quy định 41 cũng cập nhật các quy định mới của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về nêu gương. Theo đó, một trong những căn cứ để xem xét miễn nhiệm cán bộ là bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

Đồng thời quy định đã lượng hoá sự tín nhiệm của cán bộ. Cụ thể, tại kỳ lấy phiếu theo quy định nếu cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì xem xét để miễn nhiệm; cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp thì xem xét để từ chức.

. Như vậy lần này Đảng đã tạo ra một cơ chế mà những người còn đương chức nhưng không xứng đáng với chức vụ đó thì phải từ chức hoặc bị miễn nhiệm?

+ Thực tế trong thời gian qua, có tình trạng cán bộ năng lực, trình độ hạn chế nhưng vẫn được tại vị, thậm chí được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn. Quy định 41 đã nêu rõ những căn cứ và kiên quyết xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức. Điều đó cho thấy, Đảng ta quyết tâm thanh lọc những cán bộ yếu kém để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Việc xem xét từ chức, miễn chức cũng nhằm kịp thời cảnh báo, cảnh tỉnh đối với những cán bộ thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, không gương mẫu, uy tín thấp; đồng thời khắc phục tâm lý làm việc ‘cầm chừng’ của cán bộ.

Cán bộ  khuyết điểm nhưng hiếm khi từ chức

Văn hoá từ chức xuất hiện khá sớm ở nước ta nhưng việc cán bộ mắc khuyết điểm, hay năng lực hạn chế xin từ chức còn hiếm. Việc cố ‘giữ ghế’ có thể do cá nhân cán bộ ‘tham quyền cố vị’, cũng có thể do từ chức chưa trở thành văn hoá ở Việt Nam hoặc trong chính cơ quan, đơn vị và dư luận xã hội chưa có sự nhìn nhận thoáng về vấn đề này.

Việc ban hành quy định về từ chức sẽ mở đường cho văn hoá từ chức, tạo thành thông lệ đối với cán bộ mắc khuyết điểm, hạn chế về năng lực và không đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tiến sĩ TRẦN THỊ HÀ VÂN

Từ chức, miễn nhiệm vừa tốt cho tổ chức vừa tốt cho cán bộ

. TS có nói rằng quy định 41 đã đưa vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… thành căn cứ để xem xét miễn nhiệm cán bộ. Đây đều là những yêu cầu mới được đặt ra mạnh mẽ từ sau Đại hội XIII. Phải chăng Đảng muốn ‘đánh’ sâu vào việc này?

+ Việc quy định rõ “cán bộ bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương” là một căn cứ xem xét miễn nhiệm cán bộ, cho thấy Đảng ta nhận thức sâu sắc về một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng của chế độ cần phải ngăn chặn, đẩy lùi.

Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ có năng lực thôi chưa đủ mà lập trường, bản lĩnh, đạo đức, lối sống cũng là những tiêu chuẩn mang tính quyết định cán bộ đó có trung thành hay không, có tâm, tậm lực phục vụ nhân dân hay không.

Một khi cán bộ suy thoái là đã đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu. Chính sự suy thoái này dẫn đến tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Vì vậy, tôi rất đồng tình với việc phải kiên quyết miễn nhiệm cán bộ suy thoái…

. Vậy việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa gì trong nhìn nhận chất lượng cán bộ trước khi áp dụng miễn nhiệm, từ chức, thưa TS?

+ Việc đánh giá cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo hiện nay đã dần khắc phục được tình trạng định tính. Việc lượng hoá tỉ lệ tín nhiệm đối với cán bộ khi xem xét từ chức, miễn chức cho thấy Đảng đã đánh giá, xem xét cụ thể thực chất từng cán bộ. Cũng qua tỉ lệ phiếu tín nhiệm để cán bộ biết rõ bản thân không còn đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo; việc xem xét từ chức, miễn nhiệm vừa tốt cho tổ chức vừa tốt cho cán bộ. Bởi sau khi từ chức, miễn nhiệm thì cấp có thẩm quyền căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp cho cán bộ đó.

So sánh một số điểm mới trong Quy định 41/2021 với Quy định 260/2009 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm