Ngày 4-8, trao đổi tại diễn đàn Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, sắp tới sẽ đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (CT 19) với chiều dài 70 km được quy hoạch đầu tư vào giai đoạn trước 2030.
Tuyến cao tốc này sẽ thay thế quốc lộ hiện hữu, hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối trực tiếp từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển trong khu vực, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa của hành lang kinh tế Đông - Tây trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Bằng, sau 25 năm hình thành, hành lang kinh tế Đông - Tây vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng đặt ra. Một trong những nguyên nhân là hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và hạn chế hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Tổng quan hành lang kinh tế Đông Tây hình thành dựa trên tuyến đường bộ dài 1.450 km đi qua bốn quốc gia nằm trong trung tâm bán đảo Đông Dương là: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
|
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.H |
Với sự dịch chuyển dòng chảy thương mại quốc tế, Việt Nam và các quốc gia đang dành nhiều quan tâm cho quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tuyến hành lang này.
Hạ tầng giao thông đầu tư trong thời gian tới sẽ là cơ hội khơi thông dòng chảy thương mại quốc tế, là động lực tăng trưởng cho các địa phương.
Ông Bằng cho biết thêm, trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong khu vực đã đưa vào khai thác (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan) và tiếp tục đầu tư (cao tốc Cam Lộ - La Sơn) với mục tiêu đến năm 2025 thông toàn tuyến và thay thế quốc lộ 1 thành trục chính kết nối các tỉnh miền Trung với cả nước.
Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ kết nối với các cửa khẩu quốc tế khác trên hành lang như quốc lộ 14B, quốc lộ 14D, quốc lộ 14E cũng sẽ từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu kết nối hàng hóa của khu vực phía nam Lào với cảng biển Việt Nam.
Thêm vào đó còn có quy hoạch phát triển tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước dài 550km sẽ giúp Đà Nẵng tiếp cận nhanh hơn và tốt hơn với thị trường hàng hóa nhiều tiềm năng là khu vực Tây Nguyên.