Bài học mà những nhà làm bóng đá Việt Nam mới đi Nhật tham quan J-League và các CLB Nhật về đã rút ra rất rõ. Gần hơn là bóng đá Thái Lan sau khi chạy thử 2-3 mùa Thai-League thấy thất bại khi sân bóng vắng vẻ, CLB thì nghèo nàn, cầu thủ thì thích ra nước ngoài đá nên liền cho dừng Thai-League để cải tổ mạnh… Họ cử chuyên gia đi học người Anh và thuê thầy cùng điều hành để biến Thai-League thành một giải có hạng ở châu Á với sân bóng cuối tuần như những ngày hội. Từ đó các nhà tài trợ tranh nhau đổ vào đầu tư, mua bảng quảng cáo, mua bản quyền và Thai-League lên kéo theo các hệ thống đội tuyển Thái Lan cũng lên nhờ cái nền vững chắc từ các CLB.
Nhìn đội Olympic Thái Lan toàn những tài năng trẻ (nhưng đa phần được va chạm ở nhiều sân chơi lớn) vào đến bán kết Asiad 2014 sau khi loại Olympic Trung Quốc và gây ấn tượng ở vòng bảng đã thể hiện phần nào sức mạnh của họ.
Vừa đá bóng vừa tốt nghiệp đại học như Hải Anh là chuyện hiếm trong làng bóng Việt. Ảnh: XUÂN HUY
Ra ngoài khu vực Đông Nam Á, hai nền bóng đá phát triển là Hàn Quốc và Nhật cũng làm rất bài bản cấp CLB để có K-League và J-League mạnh từ CLB đến công tác tổ chức. Từ đó họ hình thành những đội tuyển mạnh.
Riêng ta lại chạy theo quy trình ngược, đó là đổ vào cấp các đội tuyển cho mạnh rồi hy vọng từ đó sẽ vực lại sự sa sút của V-League đang mất dần nhà tài trợ và mất cả niềm tin. Thậm chí là nhiều ông bầu làm bóng đá giờ cũng rút chân ra dần vì tiền mất tật mang nếu làm bóng đá thật. Riêng các ông bầu làm bóng đá để đổi dự án giờ cũng cạn dần vì vừa chi lại vừa chung mà vừa mang tiếng.
2. Bây giờ nếu hỏi nền tảng bóng đá trẻ Việt Nam ở đâu thì nhiều người sẽ không biết trả lời. Chỉ vào một lứa U-19 do bầu Đức đầu tư đã bảy năm thì mỏng quá và đấy chỉ tiêu biểu cho cách làm bóng đá của một ông bầu giỏi kinh doanh và mê bóng đá. Chỉ vào các địa phương thì ngoài SL Nghệ An, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng có quy củ và bài bản, còn lại các địa phương đều vá víu. Thậm chí đông dân nhất và có nhiều điều kiện kinh tế nhất như TP.HCM mà bây giờ tìm một đội trẻ tử tế và bài bản cũng thấy khó, còn tuyến trên thì các đội chuyên nghiệp bị xóa sạch.
Trong khi ở VFF đã hình thành trung tâm đào tạo trẻ đã bảy năm nhưng thời gian qua chưa đào tạo hay hình thành những chiến lược bài bản nào nghiêm túc thì các CLB thú thật rằng họ làm theo cách riêng của mình để phục vụ cho chính mình.
Nói thế cũng có nghĩa bóng đá trẻ của ta là tự phát. Nó hoàn toàn khác hẳn các quốc gia lấy nền tảng từ trường học mà rõ nhất là Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… rất chú trọng bóng đá học đường và tìm kiếm tài năng từ đấy. Nó là sự kết hợp rất bài bản giữa ngành thể thao với LĐBĐ quốc gia và với hệ thống giáo dục sở tại. Đấy cũng là lý do ở Nhật và Hàn Quốc có đến trên 97% cầu thủ tốt nghiệp đại học, còn ở Thái Lan thì xấp xỉ 90%. Ngược lại, với Việt Nam thì đa số đá giỏi thì ít học nên những cái tên như Hải Anh, Lưu Ngọc Hùng, Ngọc Thanh… đá bóng với cái bằng cử nhân là chuyện rất hiếm. Cũng vì thế mà mới đây lứa U-19 có những cầu thủ dự khai giảng Trường ĐH Sư phạm thể thao TP.HCM vì vừa đá (bóng) vừa học là hiện tượng hiếm.
Lại thêm một quy trình ngược nữa là lứa U-19 của bầu Đức vừa nổi đình nổi đám bởi cách làm riêng thì lại được xem đấy là rường cột của nền bóng đá quốc gia và là điểm nhấn để các lứa Olympic, đội tuyển mạnh mẽ hơn, nghiêm túc hơn.
Giờ thì với những quy trình ngược và ít đầu tư đấy lại mong sẽ là sức sống để bóng đá Việt Nam hóa rồng hoặc với tới World Cup từ lứa “gà chọi” của một ông bầu.
NGUYỄN NGUYÊN