Tại buổi này, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đã giới thiệu về hương ước, quy ước. Đây là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và tương đương tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định.
Ngày 19-6-1998, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 24 về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước nói trên. Hơn 20 năm qua, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong việc tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện công tác này trên địa bàn TP đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả.
Tính tới ngày 30-6-2018, TP.HCM có 319 xã, phường, thị trấn có dân cư với 24.620 tổ dân phố, ấp nhân dân. Trong đó, có 21.080 quy ước được xây dựng và phê duyệt theo Chỉ thị số 24; 2.425 quy ước được xây dựng theo nhu cầu thực tế và đã được phê duyệt; hiện nay còn 1.115 quy ước chưa được phê duyệt.
Ông Võ Trọng Nam (áo trắng), Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP, nhận bàn giao từ ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.
Bà Trần Thị Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết quy ước góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư; phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư… cũng như góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Ngày 8-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22 về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong đó có nhiều nội dung thay đổi tiến bộ, tích cực về nguyên tắc xây dựng, thực hiện; nội dung, hình thức; thủ tục xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế...
Về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quyết định này trên phạm vi cả nước. Ở địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa-Thông tin, công chức văn hóa-xã hội có trách nhiệm chủ trì, tham mưu giúp UBND, chủ tịch UBND cùng cấp triển khai thực hiện quyết định này. Thực hiện quyết định của UBND TP, Sở Tư pháp bàn giao nhiệm vụ sang Sở Văn hóa-Thể thao từ ngày 1-11-2018.
Phát biểu tại buổi lễ nhận bàn giao, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP, ghi nhận những thành quả mà Sở Tư pháp đã thực hiện về hương ước, quy ước tạo hiệu ứng trong thời gian dài. Sở xin nhận nhiệm vụ để thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP và mong muốn Sở tiếp tục hỗ trợ về thủ tục, hệ thống quản lý mà Sở đã thực hiện từ quận-huyện, phường-xã, khu phố -ấp…
Quy ước là tự nguyện thỏa thuận, không bắt buộc Về hình thức, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập, không bắt buộc mỗi khu phố, ấp nhân dân đều phải xây dựng và thực hiện. Trước đây, quy ước là văn bản quy phạm pháp luật, phải có “chương, điều, khoản, điểm” thì nay chỉ cần là văn bản ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định; không vi phạm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm bình đẳng giới và không được đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất. Đặc biệt,các quy ước đã được công nhận thông tin, phổ biến cho các hộ gia đình, cá nhân trong trong cộng đồng dân cư theo các hình thức quy định tại Điều 11 của quyết định; các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tự tìm hiểu, tôn trọng và thực hiện quy ước đã được công nhận. Lưu ý, việc phổ biến quy ước thực hiện tại hội nghị của thôn, tổ dân phố, niêm yết công khai tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Thông tin trên mạng lưới thông tin cơ sở, sao gửi hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân. Hình thức khác phù hợp với đều kiện thực tế của cộng đồng dân cư. Như vậy, khi người dân đến sinh sống ở khu vực dân cư mới thì nên tìm hiểu về địa phương nơi mình sống có quy ước cộng đồng hay không để thuận tiện trong sinh hoạt. Bà TRẦN VIỆT THÁI, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM |