Quyền riêng tư nhìn từ việc công bố điểm thi luật sư

(PLO)- Những thông tin riêng tư có thể bị sử dụng để tạo ra những trở ngại cho một người, dẫn đến những phiền phức cho hiện tại và tương lai của họ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-11, Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Văn bản số 73/TB-HĐKT. Văn bản này thông báo điểm kiểm tra và kết quả kiểm tra của các thí sinh đã tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2023 gửi đoàn luật sư.

Bảng điểm cũng được đăng công khai trên website của tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam. Từ đó dẫn đến những ý kiến xung quanh việc công bố này.

Tốt khoe xấu che

Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được quy định trong Hiến pháp, BLDS cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có định nghĩa thế nào là quyền riêng tư.

quyền riêng tư nhìn từ việc công bố điểm thi luật sư
Phải vượt qua kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề mới có thể hoạt động luật sư chuyên nghiệp. Ảnh minh họa: TRẦN LINH

Riêng Nghị định 13/2023 có quy định về việc chủ thể dữ liệu phải được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thực tế cho thấy khi những vấn đề riêng tư được công khai ngoài ý muốn đều có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân có liên quan. Không chỉ kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư lần này, mà kỳ kiểm tra của những năm trước hoặc trước đó những kỳ thi như kiểm tra nâng ngạch thẩm phán, các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ như TOEIC cũng được công khai kết quả trên mạng với đầy đủ thông tin cá nhân, điểm số. Hoặc danh sách những người Việt sống ở nước ngoài nộp đơn từ bỏ quốc tịch, trong đó toàn bộ thông tin cá nhân như số CCCD, địa chỉ nhà cũng được công khai.

Bổ sung quy định về việc xử lý dữ liệu cá nhân

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho công khai thông tin điểm thi và kết quả thi, có thể do muốn minh bạch để tránh tiêu cực, nâng đỡ. Liên đoàn có thể đưa việc “đồng ý chia sẻ dữ liệu cá nhân” vào quy chế thi, thí sinh không đồng ý có thể không thi.

Báo chí hoàn toàn có thể tìm hiểu những thông tin này với tính chất là một cơ quan ngôn luận, một kênh thông tin phản biện xã hội. Còn cá nhân xâm phạm những thông tin này là đã xâm phạm quyền riêng tư, có thể bị chế tài bởi những quy định pháp luật.

Có thể kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là kỳ thi khó vượt qua nhất, cần được công khai minh bạch để tạo niềm vui, niềm tự hào cho người vượt qua. Tuy nhiên, với người không đạt thì việc công khai như vậy có thể tiềm ẩn những bất lợi.

Trong thế giới phẳng thì chỉ cần thông tin được công khai là cả thế giới có thể biết. Những thông tin riêng tư này có thể bị sử dụng để tạo ra những trở ngại cho một người, dẫn đến những phiền phức cho hiện tại và tương lai của họ.

Nếu ai đó có ý cạnh tranh và gièm pha thì có thể chụp màn hình điểm thi rồi để dành có khi sử dụng. Chẳng hạn đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng những thông tin rất thật này để hạ uy tín bằng cách đăng lên mạng xã hội “để đây và không nói gì”. Do họ lấy thông tin được công khai nên khó mà nói họ xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân

Pháp luật các quốc gia có truyền thống tôn trọng quyền riêng tư như Anh, Mỹ thì các thông tin như điểm thi đều được bảo mật. Nhật Bản giữ kín cho học sinh các thông tin liên quan đến học hành, xếp hạng, thi cử. Phát bài thi đã được chấm điểm cũng phải úp xuống. Cuộc họp phụ huynh, công bố điểm thi sẽ chỉ có mặt phụ huynh cùng học sinh và giáo viên chủ nhiệm.

Ông Kei Komuro, chồng của cựu công chúa Nhật Bản, hai lần trượt kỳ thi luật sư ở New York, Mỹ. Đến lần thi thứ ba vào tháng 10-2022, chính ông đã chia sẻ trên truyền thông rằng: “Lần này, tôi đã thi đậu”. Đây rõ ràng là một câu chuyện truyền cảm hứng về sự nỗ lực không ngừng nhằm đạt được thành công.

Trước đó, việc ông Kei Komuro hai lần thi trượt đã được truyền thông Nhật Bản loan tin thông qua cuộc phỏng vấn với luật sư đứng đầu một công ty luật ở Nhật Bản, nơi ông từng làm việc. Việc công bố về hai lần thi trượt này tất nhiên cũng phải được sự đồng ý của ông Kei Komuro.

Trong khi đó, cách công khai thông tin như ở ta khiến ai cũng có thể tiếp cận. Điều cần thiết là phải cân bằng giữa yếu tố công khai, có thể kiểm soát với yếu tố bảo vệ dữ liệu cá nhân. Để tránh tổn thương cho người trong cuộc, yếu tố công khai có thể thực hiện qua cách thức khác… để không ảnh hưởng đến uy tín của họ.

Như kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT đã có quy định về tiếp cận thông tin có điều kiện. Thí sinh muốn biết điểm thi phải nhập số báo danh cộng mật mã đã được cung cấp.

Tới đây, khi công bố kết quả thi luật sư, nên theo hướng ai không đậu thì không nêu tên, ngay cả người đậu cũng không nêu điểm thành phần; hoặc gửi email kết quả thi cho từng người; đưa cho người dự thi một phong bì có chứa mật mã để tra cứu điểm và kết quả sau khi thi, như cách các ngân hàng cung cấp mã pin cho chủ thẻ để kích hoạt thẻ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm