Hai em nhỏ ăn xin tên Toan và Còi bị chủ chăn dắt hành hạ đến bầm mặt, tróc móng tay khi xin không đủ 200.000 đồng/ngày cho chủ; em Bông bị chủ chăn dắt tạt nước sôi vào người cũng vì không xin đủ 200.000 đồng/ngày; em Phát bị cha dượng đánh bầm mình v.v...
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em cứ liên tục xảy ra khiến tôi không an tâm. Tôi đã rất phẫn nộ sau chuyện em Trang bị bẻ ngược các ngón tay dẫn đến thương tật 14% vì không xin đủ 200.000 đồng/ngày cho chủ; chuyện em Bình ở Hà Nội bị chủ dùng kềm đánh khắp người gây thương tật 37%; chuyện bé Đen ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) bị mẹ nuôi dùng búa đánh đập dã man. Hàng trăm trẻ em bị bác sĩ nhi cho uống thuốc trị biếng ăn, tăng cân cấp tốc không nhãn mác với tác hại khôn lường... Vụ việc này chưa lắng xuống thì vụ việc khác lại xuất hiện như để đánh động lương tâm của những người có trách nhiệm!
Không phải tất cả các vi phạm xảy ra đều có thể giải quyết được tận gốc. Vợ chồng bác sĩ nhi hại bệnh nhi đã bị xử phạt hành chính nhưng ai dám chắc các em sẽ phát triển bình thường sau khi đã uống thuốc không nhãn mác. Làm sao biết được sẽ không có em Đen hay em Bông thứ n... bị những tai nạn tương tự.
Hai trường hợp được xử lý mạnh tay nhất liên quan đến em Trang và em Bình, đó là người gây ra thương tích cho các em đã bị khởi tố hình sự. Song ai dám khẳng định các em sẽ không bị hại như thế nữa? Có gì chắc chắn để “nỗi ám ảnh mang tên 200.000 đồng” không còn “ẩn nấp” ở các trẻ em ăn xin?
Từ năm 1991, Việt Nam tự hào là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tham gia Công ước này, cứ mỗi năm năm nước ta phải trình báo lên Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc về những việc đã làm để thực thi các quyền trẻ em. Các cơ quan chức năng phải làm gì để bảo vệ các em tốt hơn? Xin đừng để “cái bánh” trách nhiệm được chia cho quá nhiều cơ quan, đoàn thể như hiện nay vì hiệu quả không rõ nét.
Nguyễn Xuân Thắng (Trường Sĩ quan Lục quân II)