Quyết liệt 'giải cứu' bệnh viện, bệnh nhân

(PLO)- Hy vọng cơ chế thí điểm có thể mở ra không gian để nhân viên, lãnh đạo các cơ sở y tế có thể mạnh dạn làm “những việc chưa từng (dám) làm” mang lại lợi ích chung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (sửa đổi một số khoản của Nghị quyết 144/NQ-CP) được Chính phủ ban hành ngày 4-3 hy vọng sẽ là sự mở màn cho những thí điểm mang tính đột phá trong bối cảnh nhiều bệnh viện đang cần “giải cứu” để thực hiện sứ mệnh cứu người….

Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành chỉ sau một ngày Nghị định 07/2023 được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8-11-2021, tháo gỡ khó khăn cho việc nhập khẩu trang thiết bị y tế. Ngay sau khi hai văn bản pháp luật quan trọng này được đưa ra, báo chí ghi nhận sự phản hồi tích cực của nhiều lãnh đạo bệnh viện (BV), đặc biệt là một số cơ sở y tế tuyến cuối hoặc cơ sở y tế có lượng bệnh nhân rất đông đang đợi chờ được cứu chữa càng sớm càng tốt.

Việc áp dụng các quy định tại Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của các cơ sở y tế chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả, bổ sung và hoàn chỉnh các thiếu sót. Thế nhưng, có thể nhận định sơ bộ ban đầu về giá trị của hai văn bản pháp luật này. Với Nghị định 07, phải thừa nhận rằng văn bản này bước đầu chỉ tạo điều kiện cho việc thông quan nhập trang thiết bị, đồng thời “chỉ điểm” trách nhiệm của các doanh nghiệp y tế trong việc bảo đảm chất lượng trang thiết bị y tế.

Nghị định 07 về cơ bản chưa thể giải quyết được vướng mắc lớn nhất kéo dài nhiều tháng nay với ngành y tế, đó là khâu thủ tục, quy trình mua sắm. Có nhiều vấn đề mà các y bác sĩ, lãnh đạo nhiều BV nêu ra, như: (i) Sau dịch, nhu cầu vật tư, thiết bị y tế và thuốc men đều tăng giá do quy luật thị trường - nhu cầu tăng thì giá tăng khi nguồn cung khan hiếm; (ii) Một số hợp đồng cung ứng hết hạn nhưng không gia hạn được do vướng quy định pháp luật; (iii) Nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu mua sắm, mà một trong những lý do đó là vướng mắc quy định “ba nhà thầu”; (iv) Tâm lý e ngại mua sắm trong bối cảnh nhiều nhân viên y tế vi phạm và bị khởi tố, bắt giam do liên quan đến mua sắm, đấu thầu… Phần lớn những vướng mắc nói trên có liên quan đến Nghị quyết 144 của Chính phủ được ban hành ngày 5-11-2022.

Rất may, những “khoảng trống” ấy tuy không phải phạm trù Nghị định 07 khỏa lấp nhưng đã cơ bản được giải quyết nhờ Nghị quyết 30. Cụ thể, các vướng mắc trong quy định “ba nhà thầu” (ba báo giá), hay việc gia hạn hợp đồng cung ứng, cho đến việc đồng ý thí điểm xây dựng giá gói thầu trong năm 2023 với các hướng dẫn khá cụ thể… đều được Nghị quyết 30 tháo gỡ bước đầu.

Ngoài ra, nghị quyết này còn tạo hành lang pháp lý cho sử dụng các trang thiết bị y tế đã được hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân.

Nghị quyết 30 cũng đặt ra tương đối rõ ràng trách nhiệm của ba bộ: Y tế, Tài chính, KH&ĐT trong việc triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hoàn thiện toàn diện quy định về mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế trong thời gian tới.

Việc Chính phủ liên tiếp ban hành các văn bản pháp lý có tính bổ khuyết cho nhau như Nghị định 07 và Nghị quyết 30 cho thấy trung ương đang quyết liệt “giải cứu” các BV đã và đang kêu cứu do thiếu hụt trang thiết bị, vật tư y tế lẫn thuốc men. Việc thí điểm các giải pháp mới cũng giải tỏa phần nào tâm lý “sợ sai do thiếu hành lang pháp lý” của nhiều nhân viên y tế chịu trách nhiệm mua sắm, đấu thầu. Qua đó, việc này cũng đã gián tiếp mở ra hy vọng cho vô số bệnh nhân, trong đó có những ca hiểm nghèo vốn đang chờ đợi máy móc, thiết bị, vật tư, thuốc men mới để được cứu sống.

Chắc chắn Nghị định 07 và Nghị quyết 30 sẽ chưa đủ để giải quyết tất cả vấn đề mà ngành y tế đang gặp phải, nhất là lĩnh vực mua sắm, cung ứng máy móc, thiết bị, vật tư y tế. Thế nhưng, trong tình thế cấp bách hiện nay, Chính phủ đã đang theo đúng “quỹ đạo”: Nhận diện vấn đề cấp bách - tháo gỡ vướng mắc chủ đạo - thí điểm cơ chế mới (mà hy vọng có thể tạo ra đột phá). Việc còn lại là yếu tố “con người”.

Hy vọng cơ chế thí điểm có thể mở ra không gian để nhân viên, lãnh đạo các cơ sở y tế có thể mạnh dạn làm “những việc chưa từng (dám) làm” mang lại lợi ích chung. Từ đó, Chính phủ có thể ghi nhận, nhân rộng đại trà thành mô hình chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm