Người dân coi thường tính mạng, cố tình vi phạm các quy tắc về an toàn giao thông, nhất là ở các tuyến đường ngoại ô, tập trung chủ yếu vào người chạy xe máy (chiếm 90% số vụ tai nạn). Đó là nhận định của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP.HCM về tình hình giao thông chín tháng đầu năm 2016.
Vượt lên, “chặt” đầu xe taxi
Xe máy là phương tiện nhỏ gọn và người điều khiển dễ dàng lấn sang làn đường dành cho các loại xe khác. Tôi là tài xế taxi, có hôm tôi đang lái xe thì từ phía sau một xe máy chạy lên “chặt” đầu xe tôi để vượt lên, lúc đó tôi mà không thắng kịp thì chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn. Mặt khác, nói đến kẹt xe thì chắc chắn chẳng ai muốn nhưng kẹt xe là vì đâu? Một phần là vì ý thức của người dân quá kém. Nếu xe máy không chen vào làn đường của ô tô và các bác tài đừng đi ngược vào làn xe máy thì sẽ giảm thiểu tình trạng ùn tắc.
NGUYỄN CÔNG DANH, tài xế taxi tại quận 3, TP.HCM
Đã vi phạm còn chửi mắng bậy
Nhà tôi ở quận Thủ Đức, đi làm ở Tân Bình, thường qua đại lộ Phạm Văn Đồng. Đến bùng binh vòng xoay Công viên Gia Định, chỗ rẽ sang đường Phổ Quang, lúc có cảnh sát giao thông ở đó điều tiết, kiểm soát thì còn đỡ, còn không có cảnh sát thì thôi xong, chán chẳng buồn nói! Mạnh ai nấy chạy, nhất là tầm buổi trưa. Có lần tôi dừng đèn đỏ, bị húc vào đuôi xe còn bị chửi. Tôi từng chứng kiến mấy lần ở khu vực này xảy ra đụng xe. Còn chuyện đi ngược chiều, lấn làn, lạng lách thì hầu như ngày nào tôi cũng thấy trên những đoạn đường mình đi qua. Có lần tôi đang đi ở đường Lê Duẩn (quận 1), tôi đang đi thẳng, sát lề phải, một chiếc taxi rẽ vào hẻm tay phải nhưng không xi nhan báo hiệu. Kết quả, tôi bị quẹt ngã lăn ra, may người chỉ bị xây xước nhẹ. Lần khác trời tối, một xe máy khác đi ngược chiều lại không bật đèn. Tôi chạy chậm nên lúc nghe tiếng máy đến gần thì phát hiện ra. Đi đứng kiểu vậy, chết có ngày!
NGUYỄN QUỐC HOÀN, quận Thủ Đức, TP.HCM
Một vụ giành đường của xe máy gây tai nạn giao thông trên cầu Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM. Ảnh: HTD
Gấp nên... cứ vi phạm?
Hầu như ngày nào tôi cũng chứng kiến những tình huống dở khóc dở cười. Hôm đó, trên đường đi làm đến đoạn gần vòng xoay Công viên Gia Định thì bị tắc đường. Tôi đang chờ xe từ phía trước di chuyển thì ở phía sau có một chị gọi to “Chị ơi cho em qua, em trễ giờ họp rồi”, tôi chưa kịp tránh thì chị ta cho xe phóng lên. Hôm khác, đang chạy xe thì tôi bị một thanh niên chạy ngược chiều lấn đường. Tôi bị ngã lăn, anh này chẳng những không đỡ tôi lên, xin lỗi một tiếng mà chỉ quay sang nói với tôi “Chị thông cảm, tôi đang gấp”. Chẳng lẽ gấp là có quyền vi phạm sao?
NGUYỄN THANH TÂM, quận 12, TP.HCM
“Đi bộ cũng dễ sợ lắm!”
Tôi sợ nhất mấy người đi bộ, thích xuống chỗ nào là xuống, tiện đâu băng đó, đèn đỏ, đèn xanh, đèn vàng gì cũng băng qua tất. Có người sang đường không đúng chỗ còn biết giơ tay vẫy vẫy để xin đường, chúng tôi thấy vậy mà né, có người cứ ngó ngó chút rồi băng băng chạy qua. Tuần trước, tôi đi về trên đường Lê Bình (quận Tân Bình), có hai phụ nữ ăn mặc trang phục công sở, dắt tay nhau chạy qua siêu thị, dù vạch vôi dành cho người đi bộ chỉ còn cách đó mấy mét thôi. Hôm đó trời thì mưa. Tôi cẩn thận, chạy chậm nên né được nhưng người bên cạnh suýt tông hai chị này. Vậy mà một trong hai người còn quay ngoắt lại mắng: “Đi đứng kiểu gì đấy”! Tôi được biết mấy người đi bộ sai luật, sai làn đường cũng bị phạt nhưng có thấy ai bị phạt bao giờ đâu!
NGUYỄN MINH PHƯƠNG, quận Bình Tân, TP.HCM
TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Bà Hélène Chaillard, quốc tịch Pháp: Phải biết cách tự vệ với giao thông Việt Nam Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Mười mấy năm nay, mỗi năm tôi đều về Việt Nam vài lần. Có nhiều thứ tại đất nước này đã trở nên thân thuộc với tôi nhưng cũng có vài thứ, nhất là giao thông, tôi vẫn không tài nào chấp nhận được. Mỗi lần sang đường là một lần tôi cảm thấy mình giống như kẻ liều mạng. Đa số lái xe vội vã, ít ai chịu nhường ai, đến ngã tư, đèn đỏ bật lên rồi mà một số người vẫn cứ cố chạy thật nhanh băng qua giao lộ, có khi sang không kịp thì chính họ cản trở làn xe từ tuyến đường bên kia tràn lên. Họ còn nghiễm nhiên dừng xe lấn lên cả vạch sơn dành cho người đi bộ khiến khách bộ hành phải chen chân băng qua thật nhanh một cách khổ sở. Nhiều lần tôi đưa bạn bè người Pháp sang TP.HCM chơi, khi sang đường, hầu như ai cũng lắc đầu lè lưỡi, vừa đi vừa lầm rầm… cầu nguyện. Lâu ngày, tôi nghĩ ra được cách tự bảo vệ mình, đó là bước ra đường phải tỏ ra… dữ dằn, sẵn sàng quát bất cứ ai chạy xe ẩu. Phải lớn tiếng giành đường, xin đường, mắt phải quắc lên, rồi huơ tay múa chân, quan trọng là phải nói tiếng Anh, tiếng Pháp cho họ nhận ra mình là người nước ngoài. Đa số người Việt lạ lắm, họ chỉ chịu đàng hoàng, chịu lịch sự hay xin lỗi người nước ngoài nếu làm sai, còn với người Việt với nhau thì bất chấp (!). Gần đây Việt Nam có quy định luật xe dừng khi có đèn vàng, nghe nói có một số ca bị té khi chấp hành. Quy định này ở Pháp đã có xưa nay nhưng tại sao người Pháp chấp hành tốt, chẳng có tai nạn? Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là thói quen phóng nhanh, vượt ẩu của nhiều người Việt gây tai nạn cho người dừng xe đúng luật. Lo phóng nhanh quá thì làm sao kịp quan sát, mà dẫu có quan sát cũng không kịp dừng. _____________________________________ - Khoảng 0 giờ 00 ngày 18-7, trên đường Nguyễn Xí đoạn qua phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM, xe máy 61E1-313.21 do một người đàn ông (khoảng 30 tuổi) điều khiển chạy ngược chiều đâm thẳng vào một xe máy mang biển số tỉnh Bình Thuận chạy đúng chiều. Cú đâm kinh hoàng khiến hai người bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. - Sáng 7-7, một vụ tai nạn giữa xe tải và xe máy đã xảy ra tại ngã tư MK (đoạn qua phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM) khiến một người tử vong. Nhiều người dân chứng kiến cho biết người chạy xe máy đã vượt tín hiệu đèn đỏ, băng ra giữa ngã tư. Tài xế xe tải bị bất ngờ, không kịp xử lý nên đã tông thẳng vào người đi xe máy. __________________________________ Theo Phòng CSGT Công an TP.HCM, trong chín tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông ở địa bàn vùng ven (địa bàn ba cụm) có dấu hiệu tăng cao trở lại: Gần 400 vụ, làm chết 375 người (chiếm tỉ lệ 64%), bị thương 92 người (chiếm tỉ lệ 52%), nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông kém. |