Ý thức kém là một trong những nguyên gây ùn ứ, kẹt xe. Ai cũng biết! Ai cũng nói! Nhưng chẳng mấy người thực hiện, nhất là ở ngã ba, ngã tư nơi tập trung nhiều phương tiện.
Trên các diễn đàn mở, chúng ta gặp khá nhiều nhận xét đại loại như: “Ý thức giao thông kém!”, “Người Việt Nam là vậy!”, “Người Nhật hay phương Tây qua đây cũng bị nhiễm cái ý thức khi tham gia giao thông của người Việt”, “Ôi chà, Việt Nam mà!”, “chỉ có ở Việt Nam!”... Ai cũng đổ lỗi cho cái được gọi là “ý thức tham gia giao thông” nhưng chẳng mấy người tự mình thực hiện.
Đọc những dòng này mà thấy ngậm ngùi cay đắng! Chúng ta tự hào là người Việt Nam, luôn muốn nâng tầm đất nước. Tại sao mỗi người không thực hiện điều đó bằng cách tự giác chấp hành luật giao thông, ứng xử có văn hóa ngay trên đất nước thân yêu của mình.
Tắc đường, xe máy trèo lên vỉa hè không phải là hiếm. |
Thói quen xấu của người Việt Nam khi tham gia giao thông
Trong dòng xe cộ tham gia giao thông chúng ta thấy phần lớn là xe máy, loại xe cực kỳ thuận tiện mà hầu hết ai cũng điều khiển được trước khi lấy bằng. Nói nôm na lấy bằng là để hợp thức hóa khi chạy xe ngoài đường. Như vậy một thực tế là ai cũng điều khiển được xe máy, nhưng chỉ theo thói quen mà mình tự học chứ không phải là lái xe an toàn và đúng luật. Và chính cái thói quen tùy tiện đấy lâu dần thành ý thức chạy xe tùy tiện như ngày nay.
Tháo gương chiếu hậu hoặc sử dụng sai mục đích
Phải nói rất ít người sử dụng gương chiếu hậu của xe máy trừ phi đã từng lái xe ôtô. Lý do là không có thầy cô nào chỉ bảo và “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, mà chỉ có mấy đứa bạn, đứa em khuyên lắp gương khác cho đẹp hoặc mốt và để đối phó với CSGT? Hoặc là xe của con mình đi nhờ thôi mà…
Không xi-nhan khi rẽ
Thói quen này phần lớn là từ việc đi xe đạp đưa lên xe máy với các bước đơn giản như sau: Lấn đường, vẫy tay và rẽ với cái lý “tôi đã xin đường” bất kể phía sau như thế nào. Có nhiều anh, chị, em vô tư rẽ ngay khi mới bật xi-nhan hoặc chuyển làn đột ngột và cắt ngay luồng giao thông gây ách tắc.
Tâm lý “mình không lấn thì thằng khác sẽ lấn"
Trong dòng xe cộ đông đúc, trong khi ôtô đang xếp hàng trên làn đường của mình thì xe máy như những dòng nước tự động điền vào các khoảng trống xung quanh dù ôtô đang xi-nhan xin rẽ. Tâm lý này một số tài ôtô bắt chước nên ùn tắc càng trầm trọng.
Tại sao có thói quen này? Do người giám sát giao thông chưa nghiêm và lấy lý do xe đông nên bỏ qua lỗi vi phạm lấn làn, sai tuyến của người đi xe máy. Một người chen được thì người khác bắt chước và dần dần hình thành thói quen “chen”, “lấn”, “cướp”, “tạt”, cắt” dù anh là dân lao động hay dân trí thức, chị là tiểu thư đài các hay buôn thúng bán bưng. Thói quen tùy tiện của anh chị đều giống như nhau.
Xe lớn đền xe nhỏ
Nhiều người là cho rằng xe nhỏ luôn đúng dù mình có sai luật cũng đóng góp thêm cho cái được gọi là ý thức tham gia giao thông của người Việt. Có va quệt xảy ra thì bất kể đúng sai, lấy “luật rừng” ra và tìm sự ủng hộ của quần chúng với sự phân biệt giai cấp giàu nghèo rất rõ rệt. Thế là tắc nghẽn cục bộ.
Xin anh bỏ qua, vì em là con ông này, cháu chú nọ!
Không biết các "cha ông" dạy dỗ thế nào mà "con cháu" vi phạm luật giao thông thì mang uy tín của các vị ra để xin xỏ, miệt thị người thực thi pháp luật. Thậm chí nhiều "ông" còn ra mặt, lấy mình để bảo lãnh thay vì dạy dỗ con cháu cho nên người. Có lẽ các vị ấy thương con theo kiểu “cháu hát được 6 thứ tiếng rất chuẩn...” thì hại con mất rồi.
Ngoài phương tiện xe cá nhân, xe ben, xe buýt, xe công và thỉnh thoảng có cả mấy chú taxi cũng tùy tiện khi tham gia giao thông. Ben, buýt, công tùy tiện do “con hư tại mẹ” thì taxi do quá quen “lối cũ ta về” thành ra ẩu.
Tất cả hội tụ trên mọi nẻo đường và hình thành nên cái gọi là ý thức khi tham gia giao thông đáng buồn này.
Cần sự đồng lòng của các cơ quan quản lý với người dân
Tôi tin chắc, nếu ai đó có dịp đi ra nước ngoài, dù là đi du lịch hay công tác thì mỗi người đề chấp hành tốt quy định nước sở tại. Ví như xếp hàng mua đồ, tuân thủ luật giao thông, một phần là vì ý thức bảo vệ hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè. Bên cạnh đó, nếu không tuân theo, người đó sẽ trở nên lạc lõng và bị xem thường, nếu tiếp tục sẽ bị họ nhắc nhở, xử phạt…
Việc tuân theo luật thường xuyên, liên tục sẽ thành thói quen, lâu hơn nữa sẽ biến thành ý thức, tất cả các quy tắc được thực hiện một cách tự nhiên, không hề gây cảm giác gò bó. Để có được kết quả đó cần một quá trình tác động tương hỗ giữa cơ quan chức năng làm nhiệm vụ giám sát quản lý, và người dân trong vai trò thực hiện.
Đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam là một ví dụ điển hình cho quá trình này. Lúc mới ban hành quy định đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy, ai cũng phản đối dù biết mũ bảo hiểm sẽ an toàn hơn cho chính họ. Để quy định được thực thi, cơ quan chức năng ngoài việc làm gương ra đã tích cực kiểm tra, xử phạt nghiêm. Sau một thời gian thực hiện, người dân quen dần với việc đội mũ bảo hiểm, mọi người hiểu được ý nghĩa, và bắt đầu nhắc nhau nếu thấy ai đó quên.
Bên cạnh việc bị nhắc nhở, xử phạt thì chính cảm giác lạc lõng, cô độc của những người cố tình vi phạm đã buột họ phải thay đổi. Như vậy ý thức đội mũ bảo hiểm được hình thành chỉ sau 5 năm thực hiện.
Làm gì để thay đổi?
Xin đừng đổ lỗi cho người khác
Mỗi người Việt hãy cố gắng tuân thủ luật, và nhắc nhở người vi phạm, thay đổi ý thức giao thông là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Các cơ quan công quyền xin hay học thêm tinh thần đồng đội, nghĩ tới những lợi ích toàn dân thay vì đùn đẩy trách nhiệm theo nối chẳng thể thay đổi những thứ ngoài kiểm soát của cơ quan mình.
Mỗi người dù bạn là ai, bạn làm nghề gì, sử dụng loại phương tiện gì khi tham gia giao thông hãy nhớ tuân thủ luật giao thông. Ai chưa rõ thì lên mạng hỏi bác Google hay ghé các diễn đàn ôtô xe máy để trang bị thêm về kiến thức vì an toàn của mình và người khác.
Luyện tập thói quen an toàn
Sử dụng gương chiếu hậu và bật xi-nhan đối với xe máy trước khi muốn rẽ. Quan sát thấy an toàn mới chuyển hướng và tránh cản trở luồng giao thông. Đi đúng làn đường, đúng tốc độ và ứng xử lịch sự như những gì bạn đang thể hiện qua hình thức bên ngoài, chia sẻ với người thân hay bạn bè về an toàn giao thông. Dần dần thói quen mới sẽ hình thành và sẽ giúp ý thức tham gia giao thông riêng của mình và chung của xã hội ngày một tốt hơn.
Đến lúc ấy, sẽ chẳng cần áp dụng những biện pháp "quyết liệt" thêm nhiều loại phí... mà đường vẫn thông, hè vẫn thoáng.
Chúc các bác lái xe an toàn!
Theo Ngô Vĩnh Yên (VNE)