Thông cáo từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chỉ ra những đặc điểm giúp phân biệt tiền 100 USD thật mới phát hành ngày 8-10-2013 như sau:
- Tờ 100 USD mới có 2 đặc điểm bảo an mới, đó là dải bảo an 3D và lọ mực có in hình chiếc chuông.
- Mẫu tiền mới được thiết kế lại với một hình in quả chuông màu vàng, có khả năng chuyển sang màu xanh nếu nhìn từ một góc nghiêng.
- Tờ 100 USD mới cũng kèm theo một đường viền màu xanh dương ở giữa với những con số 100 được in chìm, chỉ hiện lên nếu liên tục lật đồng tiền úp ngửa, trong lúc tập trung mắt vào viền xanh này.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chỉ ra những đặc điểm giúp phân biệt tờ 100 USD thật mới phát hành ngày 8-10-2013
Bên cạnh các đặc điểm bảo an mới này, 3 đặc điểm bảo an hiệu quả cao của thiết kế cũ vẫn được làm nổi bật và duy trì trong thiết kế mới: bóng chìm chân dung, đường chỉ bảo an và số 100 đổi màu.
Nhiều gia đình có người thân du học, khám chữa bệnh hay du lịch tại Hoa Kỳ cho biết khi ra nước ngoài, sợ nhất là bị phát hiện ngoại tệ mang theo để chi tiêu lại có một vài tờ tiền giả mà bản thân không hề biết.
Với công nghệ làm giả USD như hiện nay, nhiều người có “kinh nghiệm đầy mình” nhưng vẫn bị mắc lừa. Nhiều quốc gia phải thường xuyên phát hành tiền mới theo mẫu mã mới có độ bảo an cao để cho người sử dụng yên tâm.
Rất nhiều nước (gần nhất là Thái Lan, Singapore…) chỉ cần bị phát hiện có một món hàng nào đó “quên trả tiền” sau khi rời quầy thu ngân là bị bắt giam ngay, nói gì đến chuyện thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng… tiền giả (dù vô tình) vì đó là phạm pháp.
Luật pháp Hoa Kỳ quy định khung hình phạt cho những tội danh liên quan đến tiền giả tuy không đến mức chung thân hay tử hình như Trung Quốc nhưng có thể bị phạt tiền, phạt tù (lên đến 15 năm) hoặc cả hai.
Luật pháp Hoa Kỳ cũng quy định rất nghiêm nên người bán không bao giờ trả lại tiền nghi giả cho người mua và sẽ báo ngay cho cơ quan chức năng (cảnh sát địa phương hoặc mật vụ liên bang) chứ không… trả qua trả lại như nhiều người ở các chợ, siêu thị hoặc chỉ làm biên bản tịch thu như các ngân hàng ở VN.
Thế nên công dân VN khi ra nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch… cần đảm bảo được rằng ngoại tệ mình mang theo không có tờ nào là tiền giả.
Nếu có nghi ngờ về sự thật giả số ngoại tệ của mình thì người dân có thể mang đến ngân hàng đề nghị giám định với mức phí thông thường là 0,2 USD/tờ hoặc miễn phí tùy ngân hàng.
Để phòng ngừa, người có nhu cầu đi nước ngoài không nên mua ngoại tệ trôi nổi ngoài thị trường chợ đen, các tiệm vàng hay những nơi không có giấy phép mua bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước vì rất dễ nhận phải tiền giả. Và nếu mua nhầm tiền giả là xem như mất trắng vì đó là các giao dịch ngoại tệ trái phép.
Nhiều người dùng đèn cực tím để thử USD phát hành trước 2013, khi rọi đèn thì sợi chỉ bạc có vòng sáng: tờ 5 USD có vòng sáng màu xanh dương, 10 USD màu cam, 20 USD màu xanh lá cây, 50 USD màu vàng và 100 USD màu hồng...
Có người khuyên nên chọn những tờ 100 USD mới phát hành ngày 8-10-2013 cho an toàn vì loại này đến giờ chưa bị làm giả và có nhiều yếu tố khó mà làm giả. Nhưng tốt nhất là cứ mang đầy đủ giấy tờ đến các ngân hàng thương mại để mua.
Ngân hàng luôn là nơi an toàn nhất trong các giao dịch tiền tệ. Nếu chưa thật sự yên tâm, người dân có thể yêu cầu thủ quỹ ngân hàng ghi ký hiệu và serie của tờ tiền đó lên chứng từ mình giữ để làm chứng nếu có vấn đề liên quan đến tờ tiền này.
Cần lưu ý thêm là nếu phát hiện ngoại tệ mang theo có tờ tiền giả thì không được để chung với các tờ tiền thật khác mà cần bỏ riêng tờ này vào bao thư có ghi rõ bên ngoài để nhằm giảm thiểu số lượng các dấu vân tay in trên tờ tiền và tránh xài nhầm. Sau đó báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.
Theo TTO