TAND tỉnh Cà Mau vừa xử phúc thẩm, tuyên không chấp nhận kháng cáo của anh T., giữ y án sơ thẩm của TAND huyện Cái Nước cho chị N. ly hôn với anh. Về con chung, tòa giao cho anh T. nuôi dưỡng và chị N. không phải cấp dưỡng. Ngoài ra, anh T. còn phải có nghĩa vụ giao trả cho chị N. 20 chỉ vàng 24K.
Chồng muốn được đoàn tụ
Chị N. trình bày: Chị và anh T. tiến tới hôn nhân do tự do tìm hiểu và được sự đồng ý của hai bên cha mẹ, có tổ chức lễ cưới năm 2011 và đăng ký kết hôn vào năm 2012. Sau khi “góp gạo thổi cơm chung”, vợ chồng sống hạnh phúc đến tháng 9-2015 thì phát sinh mâu thuẫn.
Nguyên nhân do anh T. không quan tâm đến vợ con, hai người đã sống ly thân từ đầu năm 2016 đến nay và hai bên không hàn gắn được tình cảm. Do đó chị N. yêu cầu được ly hôn với anh T., chị tự nguyện giao con cho anh T. tiếp tục nuôi dưỡng và chị không cấp dưỡng nuôi con.
Tuy nhiên, anh T. cho rằng nguyên nhân mâu thuẫn là do chị N. không cho anh ngủ chung. Anh thừa nhận có hay mắng vợ nhưng không đánh, không có hành vi hành hạ. Hai vợ chồng sống chung nhà nhưng không còn quan hệ sinh lý hơn một năm nay. Anh T. không đồng ý ly hôn vì còn thương vợ con, mong tòa giải quyết cho anh chị được đoàn tụ. Trường hợp tòa cho ly hôn thì anh xin được quyền nuôi con và không yêu cầu cấp dưỡng.
Về tài sản chung, chị N. cho rằng hai vợ chồng có tổng cộng 50 chỉ vàng 24K do họ hàng và cha mẹ hai bên cho trong ngày cưới. Trong đó bên nhà gái cho 20 chỉ, bên nhà trai cho 30 chỉ. Sáu tháng sau khi cưới, cha của anh T. có đến gặp cha mẹ chị N. để bàn việc sang đất.
Sau đó cha của anh T. đã sang của người khác ba công đất với giá 70 chỉ vàng 24K cho vợ chồng con, trong đó phần của anh T. và chị N. là 50 chỉ, còn lại thì cho mẹ anh T. góp chung. Chị N. và cha mẹ chị cũng xác định 40 chỉ vàng cưới đã sử dụng vào việc sang đất nhưng không biết rõ họ tên, địa chỉ người bán đất.
Ngoài ra còn chi phí trị bệnh cho chị và sinh con nhưng là do hai bên cha mẹ cho, không phải bán vàng để chi tiêu. Từ đó chị N. yêu cầu anh T. giao trả lại 20 chỉ vàng cho mình, phần còn lại 30 chỉ vàng anh T. được quyền sử dụng.
Trả lại vợ 20 chỉ vàng
Ngược lại, theo anh T., số vàng cưới là 50 chỉ hiện nay không còn vì đã bán để trị bệnh cho hai vợ chồng, chi phí sinh con và chi xài hằng ngày trong gia đình, không có việc mua đất.
Đầu năm 2018, TAND huyện Cái Nước đã xét xử sơ thẩm và chấp nhận các yêu cầu của chị N. Không đồng ý với bản án sơ thẩm nên anh T. đã nộp đơn kháng cáo về phần tài sản chung.
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng về tài sản chung tại bản tự khai và biên bản hai lần hòa giải, anh T. đều thống nhất nếu tòa án giải quyết cho ly hôn thì anh tự nguyện giao lại cho chị N. 20 chỉ vàng 24K. Sau đó anh T. thay đổi lời khai, cho rằng 50 chỉ vàng cưới đã bán hết. Tuy nhiên, anh T. không chứng minh được việc thay đổi lời khai là do nhầm lẫn hay bị ép buộc.
Lời trình bày của anh T. không được chị N. thừa nhận và anh không cung cấp được chứng cứ nào khác chứng minh đã bán hết 50 chỉ vàng. Đồng thời, anh T. cũng không chứng minh được các lần bán vàng để chi trả các chi phí như đã liệt kê, trong khi hóa đơn, chứng từ điều trị bệnh và sinh con không thể hiện anh T. là người chi nộp tiền.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị N. cho rằng sau khi cưới đã giao vàng cho chồng và cha chồng giữ để mua đất. Anh T. thì nói vàng đã bán để chi xài nhưng không chứng minh được. Do đó, bản án sơ thẩm xác định trách nhiệm anh T. giao lại cho chị N. 20 chỉ vàng là có căn cứ, cần giữ nguyên.