Mới đây, TAND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) xử sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông HTH và bà LTV theo yêu cầu của ông H.
Tố vợ hay chửi trước mặt bạn
Trước đó, trong đơn khởi kiện, ông H. trình bày rằng ông và bà V. chung sống có đăng ký kết hôn theo quy định. Hai vợ chồng có bán bia với nước đá để kiếm thêm thu nhập. Trong cuộc sống hằng ngày, khi ông nhậu với bạn bè thì hay bị bà chửi bới, làm cho ông mất uy tín trước mặt bạn bè. Bị quê, nhiều lần ông đã góp ý là bà nên sửa tính sửa tình để vợ chồng cùng nhau chung sống, nuôi dạy con cái nhưng bà V. vẫn không thay đổi. Nay ông thấy không còn tình cảm với bà nữa nên yêu cầu ly hôn. Ông yêu cầu được nuôi con chung và không yêu cầu bà phải cấp dưỡng.
Tại biên bản hòa giải và tại phiên tòa, bà V. trình bày: Trong thời gian chung sống bà cũng có chửi ông nhưng do ông đi giao nước đá, giao bia thường xuyên nhậu nhẹt, có khi ông đi sáng đêm không về, từ đó vợ chồng mới cự cãi. Có lần bà bắt gặp ông nói chuyện với người phụ nữ khác và ông cũng thừa nhận có thương người đó nhưng bà nghĩ ông chỉ vui chơi qua đường nên không quan tâm lắm. Nay ông yêu cầu ly hôn thì bà không đồng ý. Bà còn thương chồng, thương con nên bà muốn vợ chồng hàn gắn để nuôi con. Trong trường hợp tòa giải quyết cho ly hôn thì cháu bé muốn sống với ai người đó sẽ nuôi, người còn lại không phải cấp dưỡng.
Tòa cho ly hôn
Tại phiên tòa, ông H. trình bày thêm rằng trước đây ông đã từng gửi đơn lên chính quyền địa phương yêu cầu được ly hôn với bà V. với hy vọng bà biết sửa đổi tính tình nhưng bà vẫn cứ thế. Chính quyền địa phương chỉ hòa giải, không giải quyết yêu cầu ly hôn vì không thuộc thẩm quyền nên ông mới khởi kiện ra tòa. Ông H. kể ông làm gì bà cũng chửi. Đi giao bia với nước đá bà chửi, đi làm ruộng bà chửi, xét thấy tình cảm không còn, hôn nhân không thể kéo dài nên ông kiên quyết xin ly hôn với bà.
Theo HĐXX, khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Căn cứ vào lời trình bày của hai bên tại biên bản hòa giải và tại phiên tòa, cả hai đều thừa nhận bà có chửi ông làm cho ông mất mặt với bạn bè, ông đã nói nhiều lần nhưng bà không sửa đổi, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, hôn nhân không thể kéo dài nên HĐXX chấp nhận cho ông ly hôn với bà. HĐXX công nhận sự thỏa thuận của ông bà và nguyện vọng của cháu bé, giao con chung cho bà V. nuôi dưỡng. Ông H. không phải cấp dưỡng nuôi con chung.
Chửi chồng là hành vi bạo lực gia đình Theo điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, “lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm” là hành vi bạo lực gia đình. Theo Điều 18 luật này, người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của luật này. Cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình. Về mặt hành chính, người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng theo quy định tại Điều 51 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. |