Ngày 11-5, ông Đặng Tấn Rộng, ngụ ấp Phước Hòa, xã Thành Triệu (Châu Thành, Bến Tre) xác nhận ngày 8-5 con khỉ đực trên 10 năm tuổi của gia đình ông đang nuôi đã bị đứt dây xích sắt và đi lang thang quậy phá khiến những người hàng xóm lo sốt vó.
Khóa trái cửa trốn trong nhà vì sợ
Con khỉ này khá khôn lanh nhưng quá hung hãn. Nó xông vào nhà lục tung nồi, cắn chó, vật chết gà và phá vườn cây ăn trái… Bà con trong xóm thấy con khỉ xuất hiện sợ quá, báo cho ông Rộng. Vợ ông Rộng tới nơi nắm dây xích sắt đang đeo lòng thòng trên cổ con khỉ để xích nó lại bên gốc cây nhãn liền bị nó cắn nhiều vết vào cánh tay phải, đến nay vẫn còn sưng húp.
Bà Nguyễn Thị Yến Phi (chị vợ của ông Rộng) cách đó chừng 50 m cũng bị con khỉ cắn bầm dập. Chiều 9-5, một người bà con đến nhà bà Phi chơi thì bất ngờ bị con khỉ nhảy bổ đến tấn công. Người này hoảng hồn bỏ chạy và cầu cứu. Bà Phi lập tức cầm cây ngăn con khỉ nhưng không ngờ nó lao vào cắn cánh tay trái của bà tạo vết thương dài khoảng 5 cm, sâu hoắm đang nhiễm trùng, sưng to. Bà Phi sợ con khỉ sẽ lao vào tấn công tiếp nên luôn khóa trái cửa và… trốn trong nhà.
“Con khỉ trên vừa cắn thêm một người hàng xóm, trong lúc người phụ nữ đang cho chó ăn thì con khỉ xông vào tranh giành và cắn gây thương tích...” - ông Rộng thông tin thêm.
Theo ông Rộng, con khỉ này được một người quen ở TP.HCM tặng cách đây khoảng 10 năm. Lúc con khỉ còn bị xích, ông đã bị cắn hai lần, trong đó có một lần nó chủ động chụp cắn vào tay. Con trai ông Rộng đưa thức ăn nhưng chọc nó cũng bị cắn. Cả nhà ông Rộng đã có năm người bị con khỉ này cắn gây thương tích.
Khi chúng tôi đến nhà, cầm máy ảnh giơ lên liền bị con khỉ rượt đến tận gian bếp. PV nhảy lên cái sạp bằng bê tông, con khỉ vẫn cố lao lên nhe răng, vồ khè khè như muốn giật lấy máy ảnh.
Con khỉ đực dù được gia đình ông Rộng nuôi cả 10 năm nhưng sổng chuồng vẫn cắn chủ. Ảnh nhỏ: Vết thương trên tay trái của bà Nguyễn Thị Yến Phi do con khỉ cắn vào chiều 9-5. Ảnh: T.PHÚC
Chú khỉ sẽ bị “xử lý khẩn cấp”?
Người dân trong xóm lo ngại con khỉ đã cắn nhiều người đã nuôi nó nên sẽ không tha cho người lạ. Mới đây ông Trần Ngọc Chiêu, Trưởng ấp Phước Hòa, đã đến nhà ông Rộng cùng với công an ấp, công an xã bàn cách bắt giữ con khỉ đực.
Vài phương thức bắt giữ con khỉ được cơ quan chức năng đưa ra nhưng không thực hiện thành công. Từ đó có ý kiến đề nghị dùng cây đánh chết con khỉ để loại trừ tai họa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho rằng làm vậy sẽ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Thế là giải pháp trộn thuốc ngủ vào cơm cho con khỉ ăn để khi nó say ngủ sẽ xích lại được mọi người thống nhất. Tuy vậy, ông Rộng lắc đầu: “Nó quá khôn, không chịu ăn. Nó đụng ai cắn nấy nên chúng tôi cũng không dám tiếp cận”.
Chiều 11-5, ông Nguyễn Văn Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre, cho biết Công an huyện Châu Thành đã trao đổi về việc xử lý con khỉ sổng chuồng. Chi cục Kiểm lâm cũng đã cho ý kiến xử lý con khỉ trên trong tình huống khẩn cấp nhằm bảo vệ tính mạng cho người dân địa phương.
Khỉ tự cắn người, chủ nuôi phải bồi thường Súc vật là động vật hoang dã đã được loài người thuần hóa như trâu, bò, heo, khỉ... Hoạt động của chúng theo sự quản lý của con người nên nếu chúng gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản cho người khác thì chủ sở phải bồi thường thiệt hại theo Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2005. Nếu người bị thiệt hại có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường. Ngoài ra, người thứ ba có lỗi làm súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường. Vì vậy, trong vụ việc này cần phải xác định việc gây ra thiệt hại cho hàng xóm là lỗi của chủ nuôi khỉ, người bị thiệt hại hay của người thứ ba. Nếu người bị thiệt hại hoặc người thứ ba không có lỗi thì chủ nuôi khỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Giám đốc Muốn bắn khỉ, phải lập hội đồng Khỉ là loài hoang dã cần phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý địa phương thì mới được nuôi. Ngay cả nuôi một số động vật hoang dã thông thường (như một số loài thỏ, sóc, nhím, rắn...) kinh doanh hay nuôi chơi thì cũng phải xin phép. Tuy nhiên, hiện nhiều gia đình nuôi các loài động vật này không biết quy định trên. Khi khỉ nuôi sổng chuồng, chủ nuôi cần liên hệ cơ quan quản lý, cụ thể là cơ quan kiểm lâm tại địa phương đó. Nơi này sẽ điều bác sĩ thú y có kinh nghiệm đến xử lý. Việc bắn giết động vật hoang dã như khỉ là bị cấm. Trong trường hợp con vật có nguy cơ gây hại cho người thì cần có hội đồng thẩm định. Khi hội đồng ra quyết định bắn hạ thì mới được bắn hạ. Nhưng việc bắn hạ là cách cuối cùng. Ông LÊ XUÂN LÂM, Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi - Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã - WAR QUỲNH NHƯ ghi |