Rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại đòi hỏi phải được xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng. TP.HCM đã ứng dụng công nghệ hiện đại ở các nhà máy xử lý rác thải y tế và công nghiệp nguy hại, đảm bảo công suất xử lý toàn bộ khối lượng rác nguy hại thải ra mỗi ngày.
Công nghệ đốt lò quay
Chia sẻ về quá trình xử lý rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại, ông Đoàn Khắc Hùng, Đội trưởng Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (thuộc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM - Citenco), cho biết: Từ năm 2011 đến nay, công ty đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp nguy hại tại công trường Đông Thạnh. “Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt lò quay gồm hai buồng sơ cấp và thứ cấp, lò có quy mô xử lý với công suất lớn, hệ thống xử lý khí thải và hệ thống kiểm tra phát thải tự động, có khả năng tận dụng nhiệt để phát điện” - ông Hùng cho biết.
Các dụng cụ và xe vận chuyển rác thải y tế, rác thải công nghiệp nguy hại thường xuyên được xử lý vệ sinh. Ảnh: H.THỤY
Theo ông Hùng, rác thải y tế từ các bệnh viện, rác thải công nghiệp nguy hại từ các nhà máy, khu công nghiệp được thu gom và vận chuyển đến nhà máy, được đưa vào lò đốt bằng dây chuyền tự động. Công ty cũng đã xây dựng bãi chôn tro hợp vệ sinh theo các tiêu chuẩn hiện hành tại khu đất có diện tích 5.000 m2 để chôn lấp tro sau khi xử lý rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại.
Các dụng cụ và xe vận chuyển rác thải y tế, rác thải công nghiệp nguy hại được xử lý vệ sinh ở khu bên cạnh nhà máy. Những dụng cụ không đảm bảo hoặc hư hỏng sẽ được phân loại và không đưa vào sử dụng.
107 là tổng số cơ sở bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, gồm 21 cơ sở bệnh viện trực thuộc trung ương, 29 cơ sở bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP, 23 cơ sở bệnh viện quận, huyện và 34 cơ sở bệnh viện tư nhân. Ngoài ra, TP còn có 23 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện; 322 trạm y tế xã, phường. Hiện hầu hết các cơ sở y tế đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trên 90% khối lượng nước thải y tế sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. |
Xử lý 22 tấn rác/ngày
Ông Hà Trần Hiển Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh Dịch vụ môi trường thuộc Citenco, cho biết: Rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại của toàn TP hiện được xử lý tại nhà máy công suất 21 tấn/ngày ở công trường Đông Thạnh, huyện Hóc Môn và nhà máy công suất bảy tấn/ngày ở Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân bằng công nghệ đốt tĩnh. Mỗi ngày hai nhà máy xử lý khoảng 22 tấn rác y tế và rác thải công nghiệp trên địa bàn TP. Lượng rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại không có sự biến động lớn nên hai lò đốt đảm bảo xử lý toàn bộ khối lượng rác nguy hại trên địa bàn TP.
Về lâu dài, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Citenco xây dựng phương án di dời nhà máy về Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi, đồng thời cho phép chuyển đổi sang công nghệ xử lý tiên tiến - công nghệ đốt plasma. Theo đánh giá của Sở TN&MT TP.HCM, hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế nguy hại đã đi vào ổn định, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Xã hội hóa xử lý rác y tế Nhằm đảm bảo điều kiện an toàn trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại, Sở TN&MT TP.HCM đã đề xuất UBND TP về lộ trình xã hội hóa xử lý rác y tế. Theo đó, đối với rác thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế tư nhân nhỏ lẻ, các công ty dịch vụ công ích quận, huyện thực hiện xã hội hóa từ năm 2018 trở đi. Đối với cơ sở y tế công lập, năm 2018 thực hiện xã hội hóa công đoạn thu gom, vận chuyển; ngân sách TP bao cấp công đoạn xử lý chất thải rắn y tế. Từ năm 2019, thực hiện xã hội hóa công đoạn thu gom, vận chuyển và một phần công đoạn xử lý. Từ năm 2020 trở đi, thực hiện xã hội hóa toàn bộ đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế công lập. |