Rao bán biệt thự công ở Đà Lạt

Villa Circe (số 6 Nguyễn Viết Xuân) do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng sử dụng sẽ được rao bán với giá khởi điểm 18 tỉ đồng - Ảnh: MAI VINH

Dự kiến đợt bán và cho thuê này sẽ giúp tỉnh Lâm Đồng có hơn 455 tỉ đồng. Trong khi đó theo kế hoạch, vào quý 1-2014 khu trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Lâm Đồng mới được bàn giao. Đây là một khu hành chính quy mô lớn dành cho toàn bộ sở ban ngành của Lâm Đồng tập trung làm việc. Trung tâm được xây dựng trên khu đất ở đường Trần Phú rộng 3,5ha và tổng diện tích sàn lên đến 56.000m2, tổng số vốn đầu tư 1.014 tỉ đồng.

Có thể tháo dỡ xây mới

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh có 178 biệt thự. Trong đó nhóm một có 5 căn, nhóm hai có 77 căn, nhóm ba có 96 căn. Nhóm một gồm các biệt thự có giá trị về lịch sử, văn hóa, có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan, đại diện tiêu biểu cho một nền kiến trúc, một phong cách kiến trúc, còn bền vững về kết cấu chính, biệt thự này khi sử dụng không được tác động vào kiến trúc, nội thất.

Nhóm hai gồm các biệt thự không thuộc nhóm một nhưng có giá trị nhất định về lịch sử văn hóa hoặc có giá trị nhất định về mặt kiến trúc, cảnh quan, còn tương đối bền vững về kết cấu chính, giá trị sử dụng cao hay nói cách khác có khả năng sinh lợi cao, nhóm biệt thự này không được tác động vào kiến trúc bên ngoài nhưng được thay đổi nội thất. Nhóm ba gồm những nhà biệt lập có khuôn viên đất rộng hoặc nhà dạng biệt thự đơn lẻ, khuôn viên đất đã bị chia cắt nằm ở những vị trí quan trọng trong đô thị, ít giá trị về kiến trúc hoặc đã bị thay đổi kiến trúc trong quá trình quản lý sử dụng, có giá trị sử dụng thấp, có thể dỡ bỏ để xây mới.

Theo đề án “Quản lý quỹ biệt thự tỉnh Lâm Đồng”, các biệt thự được rao bán thuộc nhóm ba. Biệt thự nhóm này trong diện có thể tác động về mặt kiến trúc và chủ sở hữu sau này có thể tháo dỡ để xây mới. Với các biệt thự cho thuê thuộc nhóm hai, chủ đầu tư chỉ có thể tác động vào nội thất. Trong tháng 6-2013, phiên đấu giá đầu tiên sẽ được mở để bán một số biệt thự. Đó là các biệt thự ở địa chỉ 51 Hùng Vương, 4 Phan Châu Trinh, 41 Sương Nguyệt Anh, 15 Phan Như Thạch, 16 Yên Thế, 14-16 khu Hòa Bình. Nếu đấu giá thành công, các biệt thự sẽ được bàn giao cho chủ 30 ngày sau phiên đấu giá. Hiện các cơ quan hành chính nằm tại các địa điểm này đã được lên kế hoạch thuê văn phòng tạm. Các biệt thự này hiện đang được các Sở Lao động - thương binh & xã hội, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng sử dụng làm công sở và người mua có thể tháo dỡ để xây mới.

Lo ngại

Đề án quản lý quỹ biệt thự tại Lâm Đồng quy định rõ các biệt thự thuộc nhóm ba có thể phá đi xây lại vì đây là những biệt thự đã quá cũ và hư hỏng theo thời gian. Tuy nhiên, trong số 16 biệt thự và nhà ở mà tỉnh Lâm Đồng xếp vào nhóm ba và tổ chức bán trong đợt này nhiều căn còn đẹp đã khiến dư luận Đà Lạt lo ngại. Hai biệt thự trên đường Nguyễn Viết Xuân do Sở Lao động - thương binh & xã hội và Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng trưng dụng làm công sở hiện còn rất đẹp, kết cấu vững chãi. Nhiều người cho rằng đây là những vị trí đẹp và chủ đầu tư có thể nhân cơ hội mua đất, còn biệt thự sẽ dỡ bỏ sau đó không sử dụng. Những biệt thự đã tồn tại hàng chục năm góp phần tạo nên sự thơ mộng của Đà Lạt biến mất khi nó chưa xuống cấp là điều xót xa. Bên cạnh đó, dù đã có những quy định, song không ít người lo ngại khi bán thì thực tế có nhiều rắc rối hơn các tiêu chí chung chung trên giấy tờ.

Sẽ kiến nghị điều chỉnh giá

Chiều 19-6 tại trụ sở Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng (21 Lê Hồng Phong, Đà Lạt), ông Nguyễn Hữu Tâm, giám đốc sở, cho biết việc bán và cho thuê một số biệt thự do Nhà nước quản lý là cần thiết và đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương. Ngoài ra, việc này vừa cải tạo được môi trường làm việc vừa tránh lãng phí quỹ biệt thự.

Ông Lê Quang Trung, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “Đây là những biệt thự đã xuống cấp, không có kiến trúc đặc thù nên không cần giữ lại”. Ông cho biết có nhiều người gắn bó với Đà Lạt tỏ ra lo ngại rằng khi bán và cho thuê thì chủ đầu tư sẽ điều chỉnh kiến trúc phục vụ mục đích riêng của mình làm hư kiến trúc. Ông khẳng định đó là lo ngại do chưa có đầy đủ thông tin: “Mỗi biệt thự khi được bán đều đi kèm với các tiêu chí quản lý, chủ đầu tư phải thỏa thuận khi mua và chỉ có thể tác động vào biệt thự theo đúng cam kết”.

Hầu hết thiết kế bên trong của các biệt thự này phải được sửa sang, bố trí, thiết kế lại để thay đổi công năng từ biệt thự gia đình hoặc “đại công thự” thành những căn phòng làm việc của các ban, bệ từ xưa tới giờ. Đó cũng là một trong những lý do mà người ta phải nghĩ đến một khu hành chính tập trung phù hợp với chức năng, sự phát triển hiện đại hướng đến tương lai. Ngoài các công sở này, nhiều biệt thự cổ của Đà Lạt lâm vào tình trạng bỏ hoang hoặc biến thành những “khu tập thể” nhếch nhác và xuống cấp một cách đáng tiếc.

Trong khi đó, đề cập về giá bán và cho thuê các biệt thự, bà Phùng Thị Hiền - giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng - cho rằng giá chưa hài hòa với thị trường trong thời điểm thị trường nhà đất đang đóng băng. Bà khẳng định: “Sẽ kiến nghị điều chỉnh vì trước đây tỉnh Lâm Đồng đã ra giá sàn đấu giá một lần quá cao nên phiên đấu giá thất bại”.

KTS Ngô Thanh Hùng (Văn phòng KTS Ngô Thanh Hùng, Đà Lạt):

Nới lỏng quy định, biệt thự đẹp khó tồn tại

Tôi ủng hộ việc bán những căn biệt thự này bởi mai mốt khi trung tâm hành chính tập trung xây dựng xong, các công sở dời về đó, sẽ có một số biệt thự rơi vào tình trạng không người ở, hoặc có những biệt thự ngay từ bây giờ đã bỏ hoang thời gian dài, nhìn mất “sinh khí”. Biệt thự cổ chỉ đẹp và “có hồn” khi con người đến sinh sống và chăm chút, tạo sinh khí cho nó. Một ví dụ cụ thể là khu biệt thự cổ tại Dalat Cadasa Resort: Xưa nó hoang tàn lạnh lẽo bao nhiêu thì sau khi giao lại cho doanh nghiệp kinh doanh, nó trở thành một khu resort rất đẹp và đầy chất thơ mộng. Đà Lạt sẽ đẹp hơn lên với nhiều khu biệt thự được chăm chút như thế.

Nhưng ở khía cạnh kinh doanh, tôi e rằng sẽ khó bán. Những người muốn mua các ngôi biệt thự này nên nghiên cứu kỹ các điều kiện kèm theo khi sử dụng chúng bởi sẽ có những ràng buộc về mật độ xây dựng, những quy định về việc cơi nới, sửa chữa từ bên trong cũng như quy định về hệ số sử dụng đất rất thấp dành cho một biệt thự cổ. Như vậy, có hai trường hợp phải xảy ra: sẽ khó bán nếu giữ các quy định về sử dụng một biệt thự cổ, dễ bán hơn nếu nới lỏng các quy định này. Nhưng nếu nới lỏng như thế, những biệt thự tuyệt đẹp bây giờ sẽ khó lòng tồn tại.

Nhà nghiên cứu Lê Phỉ:


Bán rồi khó quản


Thời điểm tôi làm cố vấn về kiến trúc cho khu biệt thự cổ Dalat Cadasa Resort, chính tại nơi này những nhà đầu tư trước đó từng đập phá vài chi tiết tầng lầu của một biệt thự cổ mà sau này người ta phải để trống vì không phục hồi được. Kinh nghiệm cho thấy nếu biệt thự về tay người dân, khi có nhu cầu người ta sửa từ bên trong. Nếu không cho xây sửa, người ta sẽ cất mới trên diện tích vườn sân, nếu tiện nữa thì sẵn sàng đập đi, xây thành ngôi nhà mới... Sẽ có mâu thuẫn: bán mà không cho đập sẽ không được giá, cấm người ta không đụng đến bên trong, họ sẽ đụng đến bên ngoài... Cứ thế cái vòng luẩn quẩn, sao quản lý cho được?

Nếu thật sự cần tiền, theo tôi, nên chọn những khu đất mới, quy hoạch quy củ đàng hoàng rồi bán hoặc cho thuê để lấy tiền, riêng biệt thự cổ nên giữ gìn và cho thuê kinh doanh biệt thự cẩn trọng.


Theo MAI VINH - TIẾN HÙNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới