Rất ít doanh nghiệp chọn tòa để giải quyết tranh chấp

Chuyên viên Phòng Pháp chế VCCI Nguyễn Minh Đức cho biết trong số hơn 88.000 DN tham gia khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ có 6,39% DN lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp trong vòng hai năm qua. Lý do nhiều DN không muốn chọn tòa giải quyết tranh chấp vì mất thời gian, chi phí cao, có tình trạng chạy án, trình độ của cán bộ tòa và tính bảo mật của tòa đối với tranh chấp không đảm bảo…

Tại hội thảo, góp ý về dự thảo BLTTDS (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng thủ tục rút gọn và cơ chế hòa giải ngoài tòa án rất cần thiết cho DN.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao Lê Văn Minh, một trong những điểm mới của dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần này là áp dụng thủ tục rút gọn. Theo thủ tục này, các vụ tranh chấp có giá trị dưới 100 triệu đồng có tình tiết đơn giản, rõ ràng, không cần tòa thu thập bổ sung chứng cứ, không có yếu tố nước ngoài thì sẽ được áp dụng thủ tục rút gọn nhằm tiết kiệm thời gian cho các DN.

Luật sư Nguyễn Hà Cường (Công ty Luật Đông Ngàn) nhận xét đối với các DN có tranh chấp, rút ngắn thời gian giải quyết là một việc rất quan trọng. Tuy nhiên, luật sư Cường đề nghị bỏ điều kiện giá trị vụ tranh chấp dưới 100 triệu đồng mới áp dụng thủ tục rút gọn vì cho rằng điều kiện này không có ý nghĩa trong thực tế tranh chấp giữa các DN hiện nay.

Luật sư Vũ Ánh Dương (Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) thì cho rằng hòa giải ngoài tòa án là phương thức phổ biến, linh hoạt, có hiệu quả trong giải quyết tranh chấp quốc tế, đáp ứng được nhu cầu của các DN. Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) khuyến khích hòa giải nhưng lại quy định các điều kiện không phù hợp với tính chất của hòa giải. Trong đó có điều kiện tòa chỉ công nhận kết quả hòa giải nếu không có tranh chấp giữa các bên trong quá trình hòa giải. Điều kiện này có thể vô hiệu hóa hòa giải và là kẽ hở để bên không có thiện chí lợi dụng kéo dài thời gian cho đến khi hết thời hiệu khởi kiện...

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm