Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt địa bàn. Qua đó, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược…
Qua báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, cửa hàng, chợ tương đối đầy đủ.
Tổng hợp từ Vụ Thị trường trong nước, từ ngày 15-3 đến 31-3 tháng 3 các doanh nghiệp phân phối như Coopmart, Big C, Vinmart, Vinmart+, MM Mega Market dự kiến cung ứng ra thị trường hơn 23 triệu chiếc khẩu trang các loại.
Từ ngày 31-3 đến 15-4, dự kiến các siêu thị sẽ cung ứng ra thị trường gần 9 triệu chiếc để đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang gần đây bắt giữ khẩu trang xuất lậu với số lượng lớn
Thời gian tới, tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh An Giang, Phó trưởng ban BCĐ 389 tỉnh cho biết, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các nước, nhất là khi Campuchia bắt đầu xuất hiện các ca dương tính với COVID-19 tình hình xuất lậu mặt hàng khẩu trang y tế phát sinh và diễn biến phức tạp trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh.
Bên cạnh các trường hợp vận chuyển nhỏ lẻ số lượng từ 10.000 đến 20.000 chiếc là chủ yếu trong thời gian qua thì gần đây cũng bắt đầu xuất hiện một vài trường hợp vận chuyển với số lượng lớn. Điển hình là trường hợp Chi cục Hải quan, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên phối hợp kiểm tra, bắt giữ 164.600 chiếc khẩu trang tại địa bàn huyện Tịnh Biên.
“Dự báo thời gian tới khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chênh lệch giá mặt hàng khẩu trang giữa hai nước khá lớn. Hiện giá bán bên phía Campuchia dao động 500.000-600.000 đồng/hộp thì xuất lậu khẩu trang sẽ vẫn còn tiếp diễn, với các phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn” - ông Hồ nói.
Tuy nhiên, trước tình hình trên các lực lượng chức năng chủ động phối hợp tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh trang thiết bị y tế, nhất là mặt hàng khẩu trang.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, cho viết cam kết,… đã góp phần ổn định được tình hình mua bán khẩu trang trên địa bàn, ngăn chặn, kịp thời các trường hợp đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý.