Rối loạn nhận dạng cơ thể - bệnh kinh dị

Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ xác định bệnh nhân Phạm Duy K. bị mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (Body Integrity Identity Disorder - BIID).

Bệnh nhân tự cắt “của quý”

Cách đây một thời gian, kíp trực cấp cứu BV Tâm thần Hà Nội đã tiếp nhận một nam bệnh nhân tự cắt “của quý” của mình. Anh này được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, cơ thể bị mất máu nhiều, người tím tái, loạn thần, “cậu nhỏ” bị cắt lìa và được người nhà bảo quản trong hộp nước đá.

Người nhà của bệnh nhân cho biết anh này là một người khỏe mạnh, đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, bình thường. Nhưng một thời gian trước khi sự việc xảy ra, anh ta hay tâm sự với em trai rằng “cậu nhỏ” của mình có hình thù gớm ghiếc và cảm thấy kinh tởm khi nhìn thấy bộ phận này. Người em trai nghĩ là chuyện bình thường nên không nói với ai.

Cho đến khi sự việc xảy ra, nạn nhân đến BV Tâm thần cấp cứu, được các bác sĩ (BS) khám và chẩn đoán thì người nhà mới biết đó là một dạng bệnh lý tâm thần. Tại đây, cùng với sự hỗ trợ của êkíp BS chuyên khoa BV Việt Đức, “cậu nhỏ” của bệnh nhân đã được nối thành công. Sau khi xử lý cấp cứu, phần ngoại thương bắt đầu phục hồi thì các BS BV Tâm thần Hà Nội bắt đầu bắt tay vào điều trị, điều chỉnh nhân cách, nhận thức cho bệnh nhân.

Trường hợp của bệnh nhân K. ở Cái Răng là điển hình của hội chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn  cơ thể, một bệnh lý hiếm gặp. (Ảnh minh họa)

Nằm trong nhóm bệnh kinh dị

BS CKII Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội, cho biết chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể là một dạng bệnh lý tâm thần nằm trong nhóm bệnh hiếm gặp, gọi nôm na là bệnh kinh dị. Đây là bệnh tâm-thần-kinh, khiến người bệnh bị khiếm khuyết về thần kinh nên mới gây ra sự rối loạn về nhận thức. Họ cảm thấy lạ lẫm và ghê tởm với chính một phần cơ thể của mình và thậm chí có thể khoanh đúng ranh giới của phần cơ thể muốn “xẻo” đi.

Theo BS Lý Trần Tình, trong não người mắc hội chứng này vốn đã thiếu nhóm tế bào thể hiện hình ảnh bộ phận cơ thể đó, cho nên bộ phận đó không khớp với tế bào thần kinh. Vì vậy họ tìm mọi cách để giải quyết, “xử lý” bộ phận “thừa”. Khi “xử lý” xong bộ phận “thừa”, họ có cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái và không còn cảm thấy khó chịu nữa.

“Trong lĩnh vực tâm thần có nhiều dạng bệnh và rất phức tạp. Với hội chứng rối loạn này thì người bệnh luôn tự thương, tự hủy hoại cơ thể mình như móc mắt, rạch bụng, cắt chân, tay… Đa nhân cách cũng là một dạng tâm thần và rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể cũng là một dạng tâm thần. Tuy nhiên, lâu nay tại Việt Nam chỉ khu trú bệnh tâm thần đối với những người bị rồ dại nên không quan tâm nhiều đến những người có biểu hiện này” - BS Tình chia sẻ.

Theo BS Tình, cho đến nay Việt Nam chưa có thống kê chính xác bao nhiêu trường hợp đã mắc hội chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể. Bởi có người mắc hội chứng này sẽ đến BV Tâm thần khám nhưng nhiều người khi tự thương lại đi điều trị ngoại khoa, họ không cho rằng mình bị tâm thần và không vào khoa tâm thần khám nên không đủ số liệu thống kê. Tuy nhiên, tại BV Tâm thần Hà Nội đã từng cấp cứu, điều trị một số bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể.

Dạng bệnh lý rất khó “ứng xử”

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong quy định chung của luật lao động, những người không đủ năng lực hành vi dân sự thì không đủ điều kiện để làm việc, lao động trong các cơ quan, tổ chức. Những người không đủ năng lực, hành vi phải được sự kết luận của giám định pháp y tâm thần. Tuy nhiên, với trường hợp anh K. - nhân viên y tế ở BV Đa khoa Cái Răng, TP Cần Thơ, trước khi anh gây ra việc tự thương thì rất khó để xác định hay kết luận anh bị tâm thần.

Theo TS Quang, rất khó cho cơ quan quản lý trong việc ứng xử với những trường hợp này. Những người có biểu hiện tâm thần rõ rệt, khi ấy gia đình, cơ quan có thể cưỡng chế họ đi khám bệnh, điều trị. Sau đó trung tâm giám định pháp y tâm thần có kết luận không đủ năng lực hành vi thì chuyện để họ nghỉ việc không có gì bàn cãi. Nhưng nhiều trường hợp bị trầm cảm, có dấu hiệu thần kinh thì rất khó xử lý. Có trường hợp cơ quan quản lý cho họ nghỉ việc để đi khám bệnh, họ đã kiện vì cho rằng mình vẫn bình thường mà sao phải đi khám tâm thần. Thậm chí có gia đình đã phàn nàn rằng người nhà họ bao năm cống hiến, giờ mới bị như vậy mà cơ quan đã định đuổi việc… ”Nói chung, đối với bệnh tâm thần, cơ quan quản lý rất khó ứng xử vì rất nhạy cảm” - ông Quang nói.

 

Trường hợp của anh K nhân viên y tế BV Đa khoa Cái Răng thì mọi việc đã muộn. Rõ ràng anh này đã biết bệnh của mình, anh ấy luôn cảm thấy khó chịu, bí bách với bộ phận thừa của cơ thể và chịu đựng nó bao nhiêu năm. Nay đến cao trào không chịu đựng được nữa anh mới làm vậy… Bệnh lý này cho đến nay không có phương pháp điều trị tiệt căn nhưng nếu người bệnh biết bệnh, hợp tác trị liệu, điều chỉnh được nhận thức, hành vi thì có thể tránh được hiểm họa xấu cho mình.

BS CKII LÝ TRẦN TÌNH
nguyên Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm