Đây là chuỗi hoạt động trong lễ đón nhận bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho Tết Nguyên tiêu của người Hoa.
Chiều 29-6, UBND quận 5 đã tổ chức họp báo công bố chương trình Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5, TP.HCM. Theo đó, từ ngày 3 đến 12-7, hàng loạt chương trình nghệ thuật, diễu hành đường phố sẽ diễn ra ở khu vực quận 5.
Diễu hành tại lễ hội Nguyên tiêu ở quận 5 năm 2019. Ảnh: Hoàng Giang
Hoạt động diễn ra sớm nhất là triển lãm nghệ thuật và thư pháp chủ đề Hoa Điểu Nghinh Xuân do CLB Mỹ thuật, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh – Trung tâm văn hóa Quận 5 và Chi Hội Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP.HCM thực hiện. Triễn lãm sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 12-7 với 40 tác phẩm về hoa, chim và quê hương đất nước, nét đẹp các dân tộc tại . Trung tâm Văn hóa Quận 5 (105 Trần Hưng Đạo, phường 6, quận 5).
Công chúng sẽ được thấy nét văn hoá nhiều dân tộc trong các dịp lễ hội Nguyên tiêu. Ảnh: Hoàng Giang
Điểm nhấn của chuỗi sự kiện đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bắt đầu từ lễ dâng hoa tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vào 16 giờ ngày 5-7.
Chương trình Diễu hành đường phố chào mừng Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5 trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ bắt đầu từ 17 giờ tại tuyến đường Mạc Thiên Tích (phía sau trụ sở UBND Quận 5). Đoàn diễu hành sẽ theo lộ trình: Mạc Thiên Tích, Ngô Quyền, An Dương Vương, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, Trần Hưng Đạo và vào cồng chính Trung tâm Văn hóa Quận 5.
Lễ đón nhận bằng di sản phi vật thể cho Tết Nguyên tiêu dự kiến có khoảng 700 diễn viên tham gia. Ảnh: Hoàng Giang
Đoàn diễu hành sẽ có những hoạt động nghệ thuật đặc sắc suốt hành trình: Đại La Cổ Mừng Nguyên Tiêu do Đoàn đại La Cổ Hội Phụ Mẫu - Sư Trúc Hiên với 80 diễn viên tham gia; Đoàn Lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường (40 diễn viên); Hoa đăng Tứ linh (Long - Lân- Quy - Phụng) của Trung tâm Hoa Văn Việt Trung với điệu múa Tiên nữ giáng trần (25 diễn viên); xe hoa Lồng đèn: Trung tâm Hoa Văn Khải Tú và Trung tâm Hoa Văn Vĩnh Xuyên với điệu múa và đạo cụ đèn lồng (25 diễn viên)…
Các đoàn lân sư rồng, thể dục dưỡng sinh, hóa trang Bát tiên, Phúc - Lộc - Thọ, thầy trò Đường Tăng… sẽ có những hoạt động tương tác như phát lộc với người xung quanh… Dự kiến sẽ có khoảng gần 700 diễn viên cho đoàn diễu hành.
Các đoàn lân - sư - rồng sẽ là điểm nhấn của lễ hội người Hoa. Ảnh: Hoàng Giang
Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5, TP.HCM sẽ diễn ra từ 18 giờ tại Trung tâm Văn hóa Quận 5 và truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình TP.HCM.
Buổi lễ ngoài nghi thức trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn có những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Hoa do: Đội văn nghệ người Hoa xã Bảo Bình Cẩm Mỹ - Đồng Nai, Đoàn Văn nghệ người Hoa Mãi Xanh phường 11 quận 5, Đội múa Hải Nam, nhóm nhạc xã tiếng Quảng Đông, nhạc xã Hải Thanh… biểu diễn.
Tất cả năm nhóm ngôn ngữ Hoa có mặt tại quận 5: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Hải Nam đều tham gia vào cuối tuần này. Ảnh: Hoàng Giang
Song song với phần lễ, tại Trung tâm Văn hoá quận 5 ngay ngày 5-7 cũng có các hoạt động cho cộng đồng: Tặng chữ thư pháp, chơi đố đèn và vớt cá vàng…
Riêng tại cơ sở 2 của Trung tâm Văn hóa quận 5 (131 Triệu Quang Phục, phường 11, quận 5) và các Hội quán trên địa bàn sẽ có không gian triển lãm giới thiệu Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5, TP.HCM. Triển lãm sẽ giới thiệu lịch sử của Tết Nguyên tiêu bằng cả tiếng Việt và Hoa… Triển lãm này sẽ trưng bày cố định để người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Trong dịp này, 6.000 bản in ấn phẩm Lễ hội Nguyên Tiêu của người Hoa ở Quận 5 sẽ được phát hành. Sách gồm 15 bài viết về: lễ hội của người Hoa ở Nam bộ, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá lễ hội Nguyên tiêu tại Quận 5, Nghệ thuật biểu diễn lân - sư - rồng, ca kịch truyền thống, nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc, nghệ thuật làm đầu lân, nghề làm áo bào, lễ đấu thỉnh đèn lồng….