Anh Nguyễn Quốc Hiệp (Châu Thành, Tây Ninh), hiện đang làm chủ một cửa hàng cung cấp dịch vụ sự kiện, đãi tiệc cưới, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Tôi từng thi rớt đại học (ĐH) và cuối cùng nhận ra cũng… không sao cả. Tôi đã tìm được hướng đi ở ngành dịch vụ, thu nhập khá, lo được cho gia đình, giúp đỡ mọi người, phát triển bản thân dù không học ĐH”. Anh hy vọng câu chuyện của bản thân sẽ có ích đối với những bạn trẻ đang rất hoang mang khi biết mình cầm chắc “suất rớt” ĐH.
Có rất nhiều con đường thú vị để đi
Anh Hiệp sinh ra trong gia đình đông anh em, nhiều người phải nghỉ học sớm để bươn chải kiếm sống. Anh đặt mục tiêu thi vào ĐH Sư phạm TP.HCM vì anh mong muốn trở thành thầy giáo, đồng thời có một lý do khác: Trường sư phạm miễn học phí. Kết quả: Anh thi rớt. Anh phải lao vào cuộc sống mưu sinh với nhiều công việc khác nhau.
Anh Hiệp cho rằng các bạn trẻ sinh ra trong nhà nghèo khó như anh chính là một… lợi thế. Bởi vì tay trắng nên không sợ thất bại. Rớt ĐH, anh lao vào làm việc ngay nên cũng không có thời gian rảnh để buồn. Tuy nhiên, anh vẫn nghĩ rằng có bằng cấp thì tương lai sẽ sáng sủa hơn. Do đó, anh vừa đi làm công nhân lại vừa tranh thủ ôn thi. Anh vạch ra kế hoạch rõ ràng: Kiếm tiền tích lũy để năm sau thi tiếp, nếu thi rớt tiếp thì vẫn có một số vốn làm ăn.
Khi làm công nhân, anh học thêm nghiệp vụ kế toán rồi nhận làm kế toán cho doanh nghiệp, đi học lái xe rồi chạy xe thuê. Chưa dừng ở đó, anh còn tìm xin đi làm phục vụ nhà hàng, theo các nhóm nấu ăn đi phục vụ đám cưới. Trong những ngày lăn lộn mưu sinh, anh nhận ra anh rất có duyên với việc phục vụ tiệc cưới. Bà chủ nhóm nấu ăn thấy anh chăm chỉ, ham học hỏi đã không giấu nghề mà chỉ hết cách thức làm ăn cho anh.
Nhận thấy hướng đi này rất phù hợp, anh bỏ ý định thi lại. Anh thành lập nhóm nấu ăn phục vụ đãi tiệc. Dần dần anh mở rộng thêm các dịch vụ như trang trí, thiết kế sân khấu cho các sự kiện, cung cấp âm thanh, ban nhạc… Công việc kinh doanh rất thuận lợi, tuần nào cũng có hợp đồng. Từ hai bàn tay trắng, anh tạo lập được cơ ngơi khang trang, lo cho gia đình, cuộc sống thoải mái. Anh cho biết: “Anh em họ hàng nếu khó khăn là có thể đến chỗ tôi nhận việc, không lo thất nghiệp, thu nhập đủ lo cho gia đình. Đây là điều tôi vui nhất”.
Một tiết học nghề đầu bếp của Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM. Ảnh: AN
“Tôi cũng đã từng rớt ĐH”
Chị Như Quỳnh, đang định cư tại Hàn Quốc, hiện kinh doanh online, cho biết trước đây ở Việt Nam, chị làm thư ký cho một công ty nước ngoài, công việc khá tốt. Trong khi đó, nhiều bạn cùng trang lứa của chị cầm tấm bằng ĐH chính quy vẫn chật vật không xin được việc. Chị từng thi rớt ĐH một năm, thời gian đó quả thực rất khó khăn bởi: “Các bạn trong xóm đã đi học ĐH hết rồi. Tôi mang tiếng học giỏi mà rớt ĐH, nó như là cái gì đó kinh khủng lắm với tôi và gia đình tôi”.
Một năm trời rớt ĐH, chị không dám bước chân ra ngoài gặp gỡ mọi người, quyết tâm ôn thi lại. Năm sau chị thi đậu Trường ĐH Hồng Bàng, ngành quản trị kinh doanh. Do muốn đi làm sớm để có kinh nghiệm, chị xin được việc làm khi chưa tốt nghiệp. Trong tuyển dụng nhân sự ở công ty, nhiều người không có bằng ĐH nhưng có các chứng chỉ phù hợp, họ vẫn được cân nhắc và thăng tiến. Bên cạnh đó, có những người có bằng cấp của những trường ĐH lớn nhưng vẫn loay hoay không làm tốt, không phù hợp với vị trí công việc. Sau một thời gian, chị ra ngoài kinh doanh riêng. Chị nói: “Phải ra đi làm, có đủ trải nghiệm rồi tôi mới biết là rớt ĐH thật ra không sao cả. ĐH chỉ là một trong những con đường. Nếu đã ở trên con đường ấy rồi mà không biết mục tiêu của mình thì cũng mất thời gian mà thôi”.
Hãy có mục tiêu cụ thể Anh K’Voi (dân tộc K’Ho, xã Liên Đầm, Di Linh, Lâm Đồng) là cựu sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, được đi du học ở Úc. Nhiều phụ huynh trong buôn làng luôn lấy anh làm gương cho con em mình học tập. Tuy nhiên, khi hướng nghiệp cho bọn trẻ trong gia đình và dòng họ, anh K’Voi nói rõ: “Mấy đứa không nhất thiết phải lao đầu vào ĐH. Các em phấn đấu khổ cực để vào ĐH làm bác sĩ, kỹ sư cũng tốt, chọn học nghề để làm thợ cũng tốt hoặc ở lại buôn làng đi làm rẫy, nuôi heo cũng tốt luôn. Quan trọng là các em phải biết mình thích làm việc gì, phấn đấu thế nào và nhìn xem công việc ấy có nuôi sống được bản thân và gia đình sau này”. |