TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã ví von "Giảng đường rộng mở, trường nghề gập ghềnh khó đi" để nói về lời giải cho bài toán phân luồng sau THCS tại hội thảo "Phân luồng và triển khai chương trình tiếng Anh Cambridge hệ 9+ cao đẳng” do Trường CĐ Quốc tế TP.HCM tổ chức ngày 19-9.
TS Nghĩa cho rằng công tác phân luồng sau THCS tác động đến nhiều đối tượng hơn kỳ thi THPT. Công tác phân luồng, thời gian qua nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu. Bởi hằng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nói chung hiện được định hướng vào bốn luồng chính là học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống.
Dù lạc quan nhưng với tỉ lệ 10% học sinh THCS vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì khó lòng ba năm tới nâng tỉ lệ học nghề lên 30%. Ảnh: AN NHIÊN
Từ năm 2016 trở về trước, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT quản lý, còn các trường trung cấp nghề thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH. Trước khi hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chuyển giao quản lý từ Bộ GD&ĐT về Bộ từ năm 2017, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp chỉ vào khoảng hơn 10%. Con số này vẫn còn quá thấp so với chỉ tiêu 30% học sinh phải vào hệ thống các trường nghề sau THCS vào năm 2020. Có đến 20 trường trung cấp chuyên nghiệp không tuyển được học sinh trong năm học 2015-2016.
Ông Nghĩa đánh giá, số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH tuy có phấn khởi hơn nhưng cũng còn rất xa để đạt được chỉ tiêu. Cụ thể, trong năm học 2015-2016, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 116.222. Như vậy, dù lạc quan cách mấy thì với tỉ lệ hiện nay chỉ khoảng 10% học sinh sau THCS được tiếp tục học ở các trường thuộc hệ thống đào tạo nghề nghiệp thì khó lòng trong ba năm tới nâng tỉ lệ này lên 30%.
Tuy được định hướng theo bốn luồng chính sau THCS, nhưng thực tế hiện nay phần lớn các tỉnh, TP đều có tình trạng “dồn toa” theo luồng học tiếp lên THPT với tỉ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%; TP.HCM là 77%...). Việc học sinh chọn luồng giáo dục thường xuyên cũng chỉ là một giải pháp của không nhiều học sinh.
“Có thể ví von rằng, nếu con đường vào giảng đường ĐH-CĐ ngày càng rộng mở khi học sinh có thể được xét tuyển bằng học bạ THPT thì con đường trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên lại trở nên ngoằn ngoèo, gập ghềnh khó đi” - TS Nghĩa ví von.
Hệ 9+ cao đẳng là một hướng đi mới tại Việt Nam hiện nay, tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Ảnh: AN NHIÊN
ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, đánh giá giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS là một bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và địa phương. "Công tác phân luồng hiện chưa đạt như mong muốn. Theo đó, học sinh và phụ huynh có tâm lý e ngại khi chọn học hệ phân luồng, do vậy đa phần chọn vào học THPT dân lập hay giáo dục thường xuyên" - ông Lý nêu.
Theo ông Lý, hệ 9+ cao đẳng là một hướng đi mới tại Việt Nam hiện nay, tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Sau THCS, nếu học sinh chọn học chương trình này sẽ tiết kiệm thời gian học, sớm xác định tương lai.
Quá trình học, các em sẽ trải qua hai bậc học trung cấp và cao đẳng, học song song với các môn văn hóa hệ giáo dục thường xuyên. Sau 3,5 năm (khoảng 18,5 tuổi), các em vừa trang bị được kiến thức văn hóa, vừa hình thành được tay nghề vững chắc và học liên thông đại học ngay.
Lộ trình đến năm 2020 TP.HCM phấn đấu 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề thật sự là một nhiệm vụ rất nặng nề, vì con số 30% đó ở năm 2020 sẽ liên quan đến khoảng 25.000-30.000 học sinh lớp 9 mới chỉ ở độ tuổi 15-16. Cùng đó, hệ thống đào tạo nghề nay đã hoàn toàn do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, do đó việc phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ LĐ-TB&XH trong chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục trung học thực hiện việc giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề; thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề là điều hết sức cần thiết. TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM |