Khi nhu cầu sản xuất trong thực tiễn và thị trường lao động hình thành, lẽ ra các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện phân luồng nhằm đáp ứng giữa cung và cầu. Khi chúng ta chưa đáp ứng cung và cầu thì tạo ra ảo và ảo càng ngày càng lớn dẫn đến hậu quả của việc đào tạo không đáp ứng được yêu cầu. Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng thường trực Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết tại hội nghị tổng kết 15 năm hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực, ngày 9-3.
Theo ông Sâm, để giải quyết bài toán trên cần phải có ba giải pháp. Thứ nhất, phải có hạn ngạch cho các trình độ khác nhau (lao động qua đào tạo nghề, lao động có trình độ đại học trở lên), phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Thứ hai, khi tham gia vào thị trường lao động ở những nghề nhất định thì phải có kỹ năng nghề. Có kỹ năng nghề mới nâng cao năng suất lao động và khi năng suất cao thì kéo theo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thứ ba, cần nghiêm khắc phân luồng ngay trong hệ thống các trường phổ thông. Ví dụ, các em học sinh tốt nghiệp THCS xong một số học lên THPT, số còn lại lẽ ra phải phân luồng học nghề thì lại vào trường dân lập, tư thục. Như thế là vô nghĩa trong việc phân luồng.
Hiện nay tỉ lệ lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp có nơi chiếm đến 95% (qua đào tạo nghề), trong đó gián tiếp chỉ có 5% (đại học trở lên). Như vậy, đi vào học nghề các em có nhiều cơ hội vì chi phí học thấp, thời gian học ngắn, trang bị kiến thức và kỹ năng nghề ngay, ra trường làm việc được ngay, đặc biệt nhu cầu việc làm rất lớn. Rõ ràng chúng ta phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn này để đào tạo thì tránh được lãng phí và hiệu quả trong việc phân luồng.
“Về mặt nguyên tắc, chúng ta khuyến khích, bắt buộc các cơ sở dạy nghề phải liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào năng lực của các cơ sở dạy nghề. Tôi cho rằng những trường đang tuyển sinh tốt thì làm tốt việc gắn kết với doanh nghiệp. Theo đánh giá của chúng tôi thì khoảng 70% cơ sở đào tạo nghề gắn kết tốt với doanh nghiệp” - ông Sâm nói.