Rửa chén, quét nhà, cứ phải đàn bà mới ổn

Hôm nay (16-10), tại Hội thảo tập huấn định hướng truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Qũy dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức, nhiều vấn đề xoay quanh sự bình đẳng về giới tính gần gũi với cuộc sống đã được đưa ra để mọi người cùng bày tỏ suy nghĩ của mình.

Xoay quanh suy nghĩ phổ biến hiện nay trong nhiều gia đình, là phụ nữ thì phù hợp với việc làm việc nhà như nấu ăn, rửa bát, dọn nhà... hơn nam giới, có nhiều ý kiến từ cánh mày râu cũng đáng để suy ngẫm.

“Tôi thì không phân biệt nam, nữ gì. Nhưng để ý thấy hầu hết đầu bếp giỏi hiện nay đều là nam giới. Chuyện bếp núc không phải đàn ông không làm được, nhưng phụ nữ thì thường khéo léo hơn, tay chân nó không vụng về như đàn ông nên đa số họ làm việc đó tốt hơn thôi”, một người nêu quan điểm.

Mọi người cùng nhau thảo luận về những nội dung liên quan đến bình đẳng giới trong buổi tập huấn. ẢNH: THANH TUYỀN.

Còn anh Dũng thì cho rằng, phụ nữ không phải cứ rửa bát, lo nội trợ mà họ có thể làm những việc khác. “Tôi đây còn chui vào bếp, nấu ăn hay giặt áo quần phụ vợ chứ có gì đâu. Chẳng qua là quan điểm của mỗi người thôi, mà không thể thay đổi một sớm một chiều được. Nhiều quan điểm tôi thấy không nên có như đàn ông là chủ của gia đình, nếu nói là chủ thì trong nhà phải có đầy tớ, vậy thì vợ mình lại là đầy tớ của mình à”, anh nói.

Theo anh Dũng, giữa vợ chồng thì cần san sẻ công việc với nhau làm sao cho hài hòa. Điều đó tùy thuộc vào đặc thù công việc hay phân công trong gia đình chứ không phải cứ nhất quyết phải là vợ nấu ăn, vợ lau nhà, giặt áo quần...

Cùng góp một góc nhìn vào ý kiến này, bà Hà Thị Quỳnh Anh, cán bộ nhóm giới UNFPA đặt ra câu hỏi lật ngược vấn đề: “Đúng là hiện nay chúng ta thấy hầu hết đầu bếp giỏi đa số là nam hết. Tôi cũng đồng ý với hai anh. Nhưng vấn đề là đầu bếp nam nấu giỏi, cho nhiều người ngoài nhà hàng, khách sạn thì có về nấu cho vợ ăn không?...”

Bà kể câu chuyện về một người bạn của bà có chồng là một đầu bếp giỏi để góp thêm góc nhìn vào câu chuyện này.

“Người bạn đó nói rằng mặc dù anh là đầu bếp giỏi nhưng về nhà thì không nấu cho vợ con một bữa cơm vì nói rằng đó không phải là việc của anh. Người chồng cho rằng đầu bếp là công việc của anh giúp anh kiếm ra tiền để nuôi gia đình, cho anh những mối quan hệ với người này, người kia. Còn nấu ăn ở nhà thì không ai trả tiền cho anh, không mang lại ích lợi gì cho anh, đó không phải là công việc của anh...”, bà Quỳnh Anh kể.

Bà cũng nói thêm rằng, đã là vợ chồng thì nên chia sẻ công việc với nhau. “Để vỗ tay được thì hai bàn tay phải cùng nhau vỗ, chứ một bàn tay thì không thể vỗ thành tiếng. Câu chuyện về bình đẳng giới sẽ còn dài lắm mới có hồi kết, nhưng nếu có thể thì mỗi người phải tự thay đổi suy nghĩ của mình, bắt đầu từ những chuyện nhỏ vậy thôi...”, bà nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm