Đây là cách chơi chữ của đại biểu Quốc hội (QH) - luật sư Trương Trọng Nghĩa để đối lập với “luật rừng”, khi ông phát biểu trong phiên họp toàn thể của QH sáng qua, bàn về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Nguyên văn ông Nghĩa nói: ““Luật rừng” là có hại nhưng “một rừng luật” với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn”.
Trong đoạn phát biểu ấn định tối đa 5 phút ấy, ông Nghĩa còn đề cập tới cặp phạm trù “phí tổn và lợi ích” và đề nghị Quốc hội (QH) luôn cân nhắc yếu tố này, như là “nguyên tắc xuyên suốt” của công táclập pháp, tính từ khi xuất hiện sáng kiến lập pháp, lập quy… đến giây phút các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), dù là chính quyền địa phương, bộ quản lý nhà nước ở trung ương, hay tập thể Chính phủ, QH bấm nút thông qua.
Cho dù kỳ họp QH giữa năm này không đặt ra vấn đề sửa Luật Ban hành VBQPPL nhưng với nghị trình bàn về chương trình lập pháp thì phát biểu trên của một dân biểu làm “nghề luật” như ông Trương Trọng Nghĩa là có sức nặng giá trị chuyên môn.
Bởi thực tế, có những văn bản ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng bất tiện cho người dân. Và có những văn bản quy phạm bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách hayđơn giản là biện pháp hành chính, gây tốn kém ngân sách cho việc ban hành, việc thi hành, mà không mang lại lợi ích đáng kể cho người dân và xã hội.
Những văn bản ấy, dù quá trình ra đời được định danh pháp lý là “VBQPPL” thì khi đi vào cuộc sống khó mà được thừa nhận chunglà “đạo luật” đúng nghĩa.
“Pháp luật rất đắt đỏ, mỗi chữ viết ra có khi tốn cả tỉ đồng”. Đại biểu QH Phan Đức Hiếu từng phát biểu nhiều năm trước, khi chưa được đặt chân vào nghị trường. Ví von ấy không phải là vô căn cứ.
Mỗi điềuluật ra đời không chỉ tốn kém ngân sách quốc gia ở khâu ban hành, mà còn áp đặt, tạo ra chi phí tuân thủ - theo nghĩa hợp pháp - cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Ấy là chưa kể những chi phí không chính đáng kháccó thể phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành.
Tuy nhiên, “đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển”. Nhận thức ấy không chỉ của Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính, mà cũng là quan điểm của cả những nhiệm kỳ Chính phủ trước và là nhận thức chung, và có lẽ là lựa chọn duy nhất của bất cứ quốc gia nào trong cuộc cạnh tranh toàn cầu đầy khốc liệt này.
Vậy nên, nhiệm vụ của Chính phủ, của QH, không phải chỉ trong 19 ngày nghị trường bắt đầu sôi động, mà có lẽ trong cả nhiệm kỳ này và nhiều năm nữa, không chỉ là cân nhắc bài toán lợi ích - chi phí, hay khắc phục những chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật theo nghĩa con chữ trên giấy.
Đầu tư cho thể chế, ngoài việc hình thành hệ thống VBQPPL chuẩn mực, còn phải là chăm chút, lo lắng cho công tác tổ chức thi hành. Hay nói cách khác là phải “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, như Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh.
Trở lại với “rừng luật” của ông nghị Trương Trọng Nghĩa, suy cho cùng, nếu cả xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành mà luôn thấm nhuần lời Hồ Chủ tịch, trong bài báo xuất bản những tháng đầu tiênsau ngày 2-9 lịch sử 77 năm trước - “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” - thì cho dù thực tiễn yêu cầu phải ban hành cả “rừng luật”, Nhân dân trong cánh rừng ấy vẫn thấy mát mẻ, ngay giữa trưa hè gay gắt, tháng 5 này.