Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 160 hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước. Trong đó quy định Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho cục thuế địa phương để tổ chức bán tem rượu sản xuất trong nước. Riêng đối với rượu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc này.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2014, các sản phẩm rượu sản xuất trong nước để tiêu thụ, lưu hành trên thị trường và sản phẩm rượu nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm. Thông tư mới cũng quy định các trường hợp không phải dán tem bao gồm rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu. Hay các sản phẩm rượu sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài.
Chiều 5-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết đối với trường hợp sản xuất rượu thủ công nhỏ lẻ thực hiện giao dịch mua bán trên thị trường đều phải dán tem, bất kể số lượng ít hay nhiều. Riêng với trường hợp sản xuất rượu thủ công bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu không phải dán tem. Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát dán tem rượu mua bán trên thị trường sẽ do lực lượng quản lý thị trường đảm nhận.
Tới đây, rượu trong nước và nhập khẩu lưu thông trên thị trường đều phải được dán tem. Ảnh: HTD
Đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thông thường, cá nhân, hộ sản xuất chỉ được phép bán lẻ sản phẩm rượu trực tiếp tại hệ thống cửa hàng đúng quy định. Người sản xuất phải làm thủ tục đăng ký giấy phép sản xuất với Phòng Kinh tế (Phòng Công Thương) các huyện, quận. Đồng nghĩa sản phẩm rượu của đối tượng này sẽ phải dán tem.
Lãnh đạo này nhấn mạnh các quy định mới nhằm khuyến khích các địa phương đưa nấu rượu thủ công đơn lẻ thành hội làng nghề có quy chuẩn, nâng cao chất lượng theo quy trình. Cùng với đó phục vụ tốt việc quản lý của Nhà nước, chống hàng giả, bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm rượu. Khi rượu sản xuất được cấp giấy phép, được dán tem thì người tiêu dùng cũng sẽ được bảo vệ về chất lượng rượu.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, với các sản phẩm rượu còn tồn đến 15-12-2013, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải kiểm kê, lập bảng cập nhật số lượng dưới sự xác nhận của cơ quan quản lý thị trường. Sau đó gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời gian từ ngày 1 đến 15-12-2013. Cuối cùng, cơ quan thuế căn cứ bảng kê sản phẩm rượu trên để bán tem cho các tổ chức, cá nhân tự dán.
Sẽ phạt hành chính nếu không có tem Theo Thông tư 160, các loại rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước thuộc loại phải dán tem nhưng không dán tem, hoặc dán tem không đúng quy định, hay dùng tem giả đều bị coi là hàng hóa vi phạm và bị xử lý theo quy định về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. |
TRÀ PHƯƠNG