Sách báo đã mua, phôtô lại có vi phạm không?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì giáo trình là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Tác phẩm báo chí (bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác) cũng là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, ngoại trừ tin tức thời sự thuần túy đưa tin ngắn hằng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo.

Vì vậy, theo điểm a khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao có trường hợp “Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân”. Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 100/2016 thì: “Tự sao chép một bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại”.

Mặt khác, theo khoản 2 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Như vậy, việc sao chép giáo trình, tác phẩm báo chí như đã nói trên nếu không phải mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm là hành vi vi phạm pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm