Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật vừa xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thônggồm chín tập do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam biên soạn.
Tuy nhiên, ban liên lạc họ Trần Việt Nam đã có thư kiến nghị thu hồi tập sách này.
Bố đẻ là nhân vật hư cấu?
Một trong những lý do là trong tập 3, từ thế kỷ X đến năm 1593 do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên, phần viết về nhà Trần (1225-1400) được cho là đã bịa đặt ra bố đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Nguyên Trung, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Hậu Cần (Bộ Quốc phòng), đại diện ban liên lạc họ Trần Việt Nam, cho hay trong phần nội dung viết về Trần Thủ Độ, sách của Viện Sử học viết: “Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên tổ của nhà Trần là Trần Lý...”. Ở đây xuất hiện một nhân vật lịch sử mới là “Trần Hoằng Nghị”, một người chưa hề được đề cập trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần.
“Các sách sử Việt Nam chưa bao giờ nói Trần Lý có em trai, cũng chưa bao giờ nói đến nhân vật lịch sử nào có tên là Trần Hoằng Nghị” - ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, về phía dòng họ, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng nhân vật Trần Hoằng Nghị là nhân vật hư cấu, không có thật. Ông Trung dẫn chứng: “Hội thảo năm 2007 do cụ Vũ Khiêu chủ trì đã kết luận đang còn nhiều tồn nghi, có nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, có nghĩa là cần được tiếp tục nghiên cứu ở địa phương, trong nước và nước ngoài. Điều đó có thể khẳng định Trần Hoằng Nghị có hay không có là chưa rõ”.
Đại tá Trần Nguyên Trung, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Hậu Cần, Bộ Quốc phòng, đại diện ban liên lạc họ Trần Việt Nam. Ảnh: K.KHẢI
Kiến nghị thanh tra, xác minh
Trước những thông tin kể trên, ban liên lạc họ Trần Việt Nam kiến nghị các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, xác minh đầy đủ các thông tin nêu trên và có đánh giá, kết luận cụ thể, khách quan, trung thực, chính xác.
Kiến nghị nêu rõ: “Đề nghị cho thu hồi ngay Lịch sử Việt Nam phổ thông tập 3 do ông Nguyễn Minh Tường là chủ biên, chấn chỉnh lại những sai sót, không để sách phát hành khi còn những “hòn sỏi” lớn như hiện nay. Là sách lịch sử của quốc gia mà viết những điều phi lịch sử thì không thể chấp nhận được”.
Ngày 2-7, trao đổi với chúng tôi về nội dung kể trên, PGS-TS Đinh Quang Hải (Viện trưởng Viện Sử học) một trong những đơn vị biên soạn cuốn sách trên cho hay: “Chúng tôi đã gửi công văn cho các cơ quan hữu quan, đã làm việc với chủ nhiệm đề tài và chủ nhiệm đề tài đã có thư ngỏ gửi cho các bác họ Trần”.
Theo ông Hải, đây là vấn đề từ xa xưa, cách đây 800 năm và khoa học đang tiệm cận gần chân lý được nêu lên tại kết luận của một hội thảo. Tuy nhiên, theo ông Hải nếu đại diện dòng họ Trần cảm thấy không thỏa mãn có thể đưa ra ý kiến trao đổi.
Trước đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Viện Sử học đề nghị phối hợp với PGS-TS Nguyễn Minh Tường báo cáo giải trình liên quan đến việc xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông. Kết quả làm việc phải được báo cáo bằng văn bản gửi về Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Tạm dừng phát hành bộ sách Trao đổi với báo chí, ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, cho biết đã có chỉ đạo tạm dừng phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông. “Trong hợp đồng liên kết xuất bản, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chịu toàn bộ trách nhiệm về nội dung bộ sách như tính chính xác về tư liệu. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đang chờ đợi ý kiến phản hồi của Viện Sử học. Chúng tôi luôn cầu thị trước thông tin phản ánh của bạn đọc” - ông Thành nói. |