Sân khấu tưng bừng giỗ tổ cùng những hy vọng mới

(PLO)- Vào ngày 12-8 âm lịch hằng năm, ngành sân khấu lại tưng bừng với nhiều hoạt động hướng về tổ nghề, đồng thời tri ân, tưởng nhớ anh linh các vị tiền hiền tiêu biểu của sân khấu Việt Nam.

Những ngày này, các đơn vị nghệ thuật tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung hướng về “ngày Sân khấu Việt Nam” (ngày giỗ tổ sân khấu).

Đây không chỉ là dịp để các nghệ sĩ về mái nhà chung bày tỏ lòng thành kính với tổ nghiệp mà còn là dịp để các nghệ sĩ tiền bối truyền những kinh nghiệm quý báu cho các nghệ sĩ hậu bối nhằm lan tỏa ngọn lửa yêu nghề, cùng nhau góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ khắp nơi cùng tề tựu giỗ tổ

Từ tối 24-9, đông đảo nghệ sĩ như NSƯT Tuyết Thu, Quốc Đại, Vy Oanh, Cát Tường, Hoa hậu Ngọc Châu… đã đến Nhà văn hóa Thanh niên để bày tỏ lòng thành kính đối với tổ nghiệp. So với các đơn vị trên địa bàn TP.HCM, Nhà văn hóa Thanh niên là địa điểm tổ chức lễ giỗ tổ sân khấu sớm nhất.

Đến sáng 25-9, Hội Sân khấu TP.HCM cùng Ban Ái hữu TP.HCM cũng đã chính thức làm lễ giỗ tổ dưới sự điều hành của NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu.

IMG_3768.jpg
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM và ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, trao giải cho các tác phẩm đoạt giải do Hội Sân khấu trao tặng.

Lễ giỗ tổ có sự tham gia của ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, cùng Ban Chấp hành của Hội Sân khấu TP.HCM. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự tham gia của các nghệ sĩ TP.HCM. NSƯT Bảo Quốc cùng vợ từ Mỹ trở về cũng đến dâng hương.

Tham dự lễ giỗ tổ, nghệ sĩ, MC Quyền Linh bày tỏ: “Tôi mong rằng với sự soi sáng của tổ nghiệp, TP.HCM sẽ có thêm nhiều sân khấu sáng đèn và thêm nhiều nghệ sĩ có đất diễn hơn”.

Tối cùng ngày, chương trình kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XII năm 2023 cũng đã chính thức diễn ra tại Nhà hát TP.HCM.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề Ngọn lửa truyền thừa cùng sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ như NSƯT Tấn Giao, Tú Sương, Hồng Thắm, nghệ sĩ Trọng Nghĩa, Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Nhã Thy…

Trong ngày 26-9, các sân khấu 5B, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Trương Hùng Minh… cũng tổ chức dâng hương tổ nghiệp.

Trước đó, nhiều sân khấu cải lương cũng đã tổ chức các show diễn cải lương để mừng ngày giỗ tổ.

IMG_20230925_191019.jpg
MC Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên và các nghệ sĩ tại lễ giỗ tổ ở Nhà văn hóa Thanh niên tối 24-9. Ảnh: VĂN HÀ

Cụ thể, đoàn Đồng Ấu Bạch Long đã diễn vở Ngọc sáng Lưu Gia Trang vào tối 16-9 tại Nhà hát Nụ Cười để mừng ngày giỗ tổ và kỷ niệm một năm hoạt động của đoàn Đồng Ấu. Vở có sự tham gia của NSƯT Tú Sương, Trinh Trinh cùng nghệ sĩ Bạch Long và các học trò như Thúy My, Kim Nhuận Phát, Ái Loan, Đổng Tường…

Sân khấu biến động nhưng có nhiều hy vọng

Sau một năm hoạt động, sân khấu TP có chút khởi sắc khi có sân khấu mới ra đời như Sân khấu Thiên Đăng đã khẳng định được vị trí của mình trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Các đêm diễn cải lương “cháy vé” thời gian qua cũng cho thấy nghệ thuật cải lương vẫn còn sức hút đối với khán giả. Thông qua ngày giỗ nghề, ngoài thể hiện lòng biết ơn đối với tổ nghề, thế hệ đi trước, còn tiếp thêm tinh thần cho người đi sau có thêm niềm tin để phát triển nghề tốt hơn.

Tôi rất mong sân khấu ngày càng phát triển và các anh chị em làm nghề một cách trọn vẹn, nghiêm túc để mang lại những giá trị đích thực cho khán giả.

NSƯT TRỊNH KIM CHI, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM

Sau đại dịch COVID-19, loạt sân khấu tại TP.HCM lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là về tài chính. Các sân khấu như Hoàng Thái Thanh đã linh hoạt khi chuyển phương thức hoạt động hằng tuần sang diễn theo mùa.

Còn Sân khấu Hồng Vân đã chính thức đóng cửa và chuyển sang hoạt động tại địa điểm mới. Sân khấu 5B dưới sự dẫn dắt của bà bầu Mỹ Uyên cũng liên tục bù lỗ vì không có khán giả.

Mặc dù vậy, các ông, bà bầu đã cố gắng để sân khấu luôn được sáng đèn. Trong đó phải kể đến sự nỗ lực của Sân khấu IDECAF với sự dẫn dắt của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Ngoài ra, Sân khấu Trương Hùng Minh của nghệ sĩ Minh Nhí và Việt Hương dù ra mắt vào cuối năm 2022 nhưng vẫn cho thấy sự hoạt động đáng nể khi liên tục “cháy vé” trong các vở diễn như Mẹ hát rong, Loạn thế chi vương, Bí mật trăm đốt tre…

NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, chia sẻ: “Mọi người hay nói sân khấu bắt đầu thoái trào nhưng có thể nói bây giờ các sân khấu đã bắt đầu mở ra hoạt động mạnh mẽ và có thêm những sân khấu khác nữa, đó là một điều rất đáng mừng. Tôi nghĩ rằng sân khấu sẽ phát triển và thịnh vượng trở lại, ngay trong tâm của mình tôi cũng hy vọng điều đó, bởi lẽ có sân khấu thì anh chị em nghệ sĩ mới có nơi để thể hiện khả năng của mình cũng như thể hiện lòng yêu nghề, mê nghề”.

Sân khấu IDECAF đổi tên, tái diễn Ngày xửa ngày xưa

Sáng 25-9, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thông báo từ ngày 5-9, Sân khấu kịch IDECAF chính thức đổi tên thành Nhà hát kịch IDECAF.

gio to sk.jpg

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, việc đổi tên là để phát triển nhiều hơn các hoạt động biểu diễn kịch chuyên nghiệp phục vụ cộng đồng như sân khấu sử Việt học đường, sân khấu ngoại khóa giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh cấp I và II (các đề tài tâm lý, sự kiện gắn với giáo trình của ngành giáo dục như hướng nghiệp, khởi nghiệp…). Tập trung cho việc khôi phục dàn dựng và biểu diễn trở lại các vở diễn như 12 bà mụ, Tấm Cám, Hợp đồng mãnh thú, Mưu Bà Tú…

Sắp tới, Nhà hát kịch IDECAF còn dàn dựng các vở diễn lịch sử và phục dựng các chương trình Ngày xửa ngày xưa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm