Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp này đang suy nghĩ tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp. “Chúng ta rút kinh nghiệm Bộ luật Hình sự sửa đổi sai gần 100 lỗi. Để khắc phục điều này, để luật đi vào cuộc sống được, chúng ta mới ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này mới đảm bảo thời gian, tiến độ, các thủ tục rất chặt chẽ. Quốc hội đang bám sát và yêu cầu cơ quan soạn thảo phải chấp hành” - ông Phúc nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Cũng theo ông Phúc, trong quá trình thẩm tra luật, sẽ mời các đoàn chuyên trách để cùng nhau cho ý kiến về các dự án luật. Quốc hội cũng sẽ tranh thủ tham khảo ý kiến chuyên gia các lĩnh vực. “Chúng ta cũng đảm bảo việc trong quá trình xin ý kiến Quốc hội, luật nào còn nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẵn sàng để lại hoặc tiếp tục lấy ý kiến. Ví dụ trong chương trình kỳ họp này có thông qua Bộ luật Hình sự nhưng nếu ra Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau thì sẵn sàng kéo tiếp sang kỳ sau nhằm đảm bảo chất lượng” - ông Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kỳ họp này cũng có điểm đổi mới như tăng tính tranh luận tại hội trường, cụ thể khi trình bày báo cáo kinh tế hoặc các dự án luật thì người đứng đầu cơ quan trình, cùng trao đổi với các ĐB để làm sáng tỏ thêm các nội dung…
Liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, ông Phúc cho hay Quốc hội cũng có đoàn của Ủy ban Khoa học - môi trường giám sát sớm, có kiến nghị cụ thể, trước khi đi vào vận hành chính thức thì phải đảm bảo các điều kiện an toàn, môi trường. Còn vấn đề đền bù thì chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại.
Về nội dung tại kỳ họp này Quốc hội chưa xem xét vấn đề Việt Nam tham gia TTP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), ông Phúc cho hay: Đây là vấn đề lớn cần được nghiên cứu kỹ. Hiện các cơ quan liên quan của Việt Nam đang chuẩn bị, sau khi chuẩn bị xong, Chủ tịch nước sẽ trình sang Quốc hội, để Quốc hội xem xét, quyết định”.
Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Tổng Thư ký báo cáo dự kiến chương trình, khai mạc vào 20-10, thời lượng 26 ngày. Cụ thể, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20-10 tại nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội, dự bế mạc vào chiều 23-11.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng (chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp) vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước. Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV có những nội dung như sau:
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua bốn dự án luật, một nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, một nghị quyết. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua gồm: Luật Về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến các luật: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước
Văn phòng Quốc hội đã khoán xe công 10 năm nay Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về việc “Bộ Tài chính áp dụng khoán xe công rất được dư luận đồng tình. Quốc hội có thực hiện chủ trương này không?”, ông Phúc cho biết: Đây là một chủ trương chúng tôi hoan nghênh. Văn phòng Quốc hội thực hiện khá sớm. Trước đây hơn 10 năm VPQH đã thực hiện khoán xe công, một số người cũng thực hiện khoán xe công, VPQH chỉ không công bố việc này. Thực ra việc khoán đó chưa phải là hiệu quả lắm, vì phải bớt được đầu xe, lái xe đi. Còn kia chỉ là bớt được xe từ nhà đến cơ quan thôi. Cái chính là phải chuyển biến mạnh mẽ xe công sang xã hội hóa, hoặc các cơ quan chuyên nghiệp. Hiện QH cũng đang làm đề án, chúng tôi sẽ nghiên cứu làm sao hiệu quả hơn nữa. |