Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 190 BLHS 2015 quy định “hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối” và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191) không đúng với quy định của Luật Đầu tư 2014.
TS Tuấn dẫn ví dụ, formol là hóa chất công nghiệp rất độc nhưng rất thông dụng. Formol có tính sát trùng cao nên trong y học sử dụng để diệt vi khuẩn, sát trùng và là dung môi để bảo vệ các mẫu thí nghiệm, ướp xác… Nhưng formol bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Do đó sử dụng formol làm bánh phở là vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm theo Điều 317 BLHS 2015. Tuy nhiên, các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán formol thì không thể xem là phạm tội theo Điều 190, 191 BLHS. Lý do formol không phải là hàng hóa cấm kinh doanh tại Phụ lục số 2 Luật Đầu tư 2014.
BLHS 2015 mâu thuẫn với Luật Đầu tư rất dễ dẫn đến xử lý hình sự tùy tiện. Ảnh: NGÂN NGA
Vì vậy để tránh việc đem ra xử lý hình sự tùy tiện gây oan sai, TS Tuấn đề nghị nên sửa điểm a khoản 1 Điều 190 thành “Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng”.
Ngoài ra, theo TS Tuấn, BLHS 2015 quy định bất hợp lý về hình thức kinh doanh trên mạng. Chẳng hạn kinh doanh vàng miếng và kinh doanh đa cấp theo quy định của Luật Đầu tư là kinh doanh có điều kiện chứ không phải là thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh.
Hoặc một hoạt động khác rất phổ biến là các trang web giao dịch mua bán nhà đất, người có nhu cầu bán đăng ký vào trang web, người mua liên hệ với chủ trang web để mua nhà. Thế nhưng theo Điều 292 BLHS 2015 thì việc kinh doanh này lại bị quy thành tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” vì cho rằng chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là không ổn.
Cũng tại hội thảo, ThS Lê Vũ Huy cho rằng hiện nay Nhà nước chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ nhân chứng. Vì vậy người dân ít khi chủ động khai báo, thậm chí là buộc phải từ chối khai báo để tự bảo vệ mình và gia đình khỏi sự đe dọa của người phạm tội. Do vậy cần cân nhắc có nên buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu từ chối khai báo hay không.
Điều 383 BLHS 2015 quy định chủ thể của tội phạm là người làm chứng nhưng không quy định chủ thể là người chứng kiến, người biết rõ về tội phạm tức là đã làm thu hẹp phạm vi chủ thể của tội phạm này.
ThS Huy đưa ra hai phương án: Một là loại trừ trách nhiệm hình sự của cả ba người “người làm chứng, người chứng kiến, người biết rõ về tội phạm”; hai là quy định một cách chung nhất về tất cả người có nghĩa vụ khai báo, cung cấp tài liệu là chủ thể của tội phạm để có hướng xử lý tốt nhất.