Trước ngày 4-5, cả nước đã có khoảng 40 tỉnh, thành cho học sinh (HS) quay trở lại trường học. Riêng tại thủ đô Hà Nội, TP.HCM…, sau gần ba tháng dài nghỉ học vì dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 4-5, HS các cấp học lần lượt quay trở lại trường.
Chia đôi lớp, tiếp tục học online
Ông Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, cho biết để đảm bảo khoảng cách an toàn trong lớp học, nhà trường sẽ tách lớp làm đôi, một nhóm học buổi sáng, một nhóm học buổi chiều. Mỗi em sẽ ngồi một bàn và được bố trí theo hình zích zắc. Giờ học, giờ chơi cũng được bố trí lệch nhau để hạn chế tập trung đông người.
Ông Tuấn cho biết thêm nhà trường đã tận dụng nhà thi đấu làm phòng cách ly, trong phòng có ghế bố, chuẩn bị sẵn nước sát khuẩn, khẩu trang và có nhà vệ sinh bên trong.
“Trong trường hợp phát hiện một em bị sốt, giáo viên bộ môn sẽ báo xuống giám thị. Giám thị sẽ báo cho thầy phụ trách cùng nhân viên y tế đưa HS xuống phòng cách ly. Sau đó, nhà trường sẽ thông báo với phụ huynh. Còn nhân viên y tế chăm sóc HS và báo cho y tế quận để có hướng xử lý. Hơn nữa, ban giám hiệu cũng đã soạn từng tin nhắn đến phụ huynh HS về kế hoạch trong thứ Hai tuần tới và khuyến cáo phụ huynh nếu HS ho, sốt thì không nên đến trường” - ông Tuấn nói thêm và cho biết trong tuần đầu tiên trường chỉ tổ chức dạy học một buổi/ngày.
Tương tự, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, trong tuần đầu tiên HS khối 9, 12 chỉ học một buổi. Từ ngày 11-5, các hoạt động dạy học hai buổi/ngày sẽ được khôi phục. Nhà trường cũng tạm ngưng các hoạt động diễn ra vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Bà Hà Thị Kim Sa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Hồng Hà, cho biết để đảm bảo khoảng cách 1 m/HS, trường sẽ chia một lớp ra làm đôi. Sáng 4-5, HS bán trú của trường sẽ lên tập trung và chỉ học nửa buổi. HS nội trú buổi chiều mới đến trường.
Theo bà Sa, ngoài việc dạy trực tiếp tại trường, theo chỉ đạo của sở, nhà trường sẽ phân khối các lớp học, ngày nào không đến trường sẽ học online.
ở trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8, ông Phó Trọng Huy, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay có gần 370 HS khối 9 do đó trường sẽ thực hiện giãn cách lớp học bằng cách chia đôi lớp. Các em sẽ học luân phiên, một nhóm học buổi sáng, một nhóm học buổi chiều.
“Hiện nay tất cả phòng chức năng đã được tận dụng làm phòng học, do đó trong thời gian tới một số môn học các em sẽ tiếp tục học online như âm nhạc, mỹ thuật. Môn tin học chỉ học lý thuyết và tạm thời chưa học thực hành vì không còn phòng” - ông Huy nói.
Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) tổ chức phun thuốc sát khuẩn để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Ảnh: NHẬT TIẾN
Tăng xe đưa đón, tổ chức bán trú do trường quyết định
Với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, hoạt động xe đưa rước sẽ được tổ chức từ ngày 4-5, hoạt động bán trú từ ngày 11-5 nhưng trường sẽ tính toán giảm số lượng để đảm bảo an toàn. Việc giảm số lượng HS đi xe đưa rước, bán trú thực hiện trên tinh thần ưu tiên HS có hộ khẩu thường trú ở các quận/huyện xa trường.
Đối với HS bán trú, nội trú, Trường Hồng Hà cũng động viên phụ huynh, nếu có khả năng nên đón con về trong khoảng thời gian này, còn không thì vẫn ở trường bình thường theo quy định của nhà trường. HS sẽ ngủ cách giường và đối đầu nhau.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho biết hiện chưa trường nào tổ chức bán trú. Thời điểm này, các trường mong phụ huynh phối hợp đưa đón con em để đảm bảo an toàn. Nếu có tổ chức bán trú thì sau hai tuần nữa, xem xét diễn biến tình hình mới quyết định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT quận 9, cũng cho hay theo báo cáo, đến thời điểm này chưa trường nào tổ chức. Sau khi sinh hoạt với HS trong ngày 4-5, các trường sẽ tham khảo ý kiến của phụ huynh xem nhu cầu như thế nào rồi mới quyết định. Nếu có tổ chức phải sau hai tuần khi mà các hoạt động đã bắt đầu đi vào ổn định, phụ huynh cũng yên tâm, các trường khi đó cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tỉnh Khánh Hòa thực hiện giãn cách lớp học Cấp tiểu học: - Lớp có sĩ số trên 30 HS + Học hai buổi/ngày: Chia lớp học thành hai nhóm, một nhóm học buổi sáng, một nhóm học buổi chiều. + Học một buổi/ngày: Lớp học được chia làm hai nhóm, một nhóm học thứ Hai, Tư, Sáu và một nhóm học thứ Ba, Năm, Bảy. - Các lớp có sĩ số từ 30 HS trở xuống: Nhà trường không phải tách lớp, chỉ tổ chức dạy học chương trình chính khóa một buổi/ngày. Một số trường không chọn phương án chia lớp thành hai nhóm mà thực hiện tăng lớp. Theo đó, mỗi khối lớp sẽ đảm bảo sĩ số 30 HS/lớp, số HS dư ra ở mỗi lớp sẽ được gộp lại thành một lớp học mới. Phương án này sẽ đảm bảo thấp nhất việc tăng tiết dạy của các giáo viên. Cấp THCS và THPT: - Các lớp có sĩ số trên 30 HS: Chia lớp làm hai nhóm, một nhóm học thứ Hai, Tư, Sáu và một nhóm học thứ Ba, Năm, Bảy. Riêng các cơ sở giáo dục có đủ phòng học thì có thể chia lớp làm hai nhóm, một nhóm học buổi sáng, một nhóm học buổi chiều và học liên tục các ngày. - Các lớp có sĩ số từ 30 HS trở xuống: Nhà trường không phải tách lớp và tổ chức dạy học bình thường. |
Trường học tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học online Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn dạy học, kiểm tra học kỳ và số cột điểm kiểm tra đánh giá học kỳ 2 năm học 2019-2020. Để tổ chức dạy học và thực hiện kiểm tra, đánh giá phù hợp với điều kiện hiện nay, Sở GD&ĐT hướng dẫn một số nội dung sau: Nhà trường tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua Internet, trên truyền hình (dạy học trực tuyến) các môn học đã thực hiện từ ngày 6-4 đến ngày đi học trở lại. Căn cứ kết quả tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian qua, hiệu trưởng nhà trường báo cáo cơ quan quản lý về số môn học, số tiết dạy đã thực hiện. Trên cơ sở số tiết, số môn học đã thực hiện, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học để đảm bảo hoàn thành chương trình học kỳ 2. Kế hoạch dạy học khi học sinh (HS) đi học trở lại của nhà trường được vận dụng kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, giao nhiệm vụ học tập tại nhà cho HS, đảm bảo 100% HS được tiếp cận, thực hiện và hoàn tất hoạt động học tập để hoàn thành chương trình.
Nhà trường rà soát thực hiện đầy đủ nội dung dạy học các bộ môn nghề phổ thông, giáo dục quốc phòng, an ninh, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật và các hoạt động giáo dục khác (có thể dạy theo chuyên đề kiến thức, bố trí dạy mỗi lớp 2-4 tiết/tuần). Trường có hướng dẫn cụ thể việc quy đổi kết quả đánh giá quá trình học tập của HS thành kết quả kiểm tra đánh giá thường xuyên cho HS. Khi xây dựng kế hoạch dạy học bằng cách kết hợp các hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nhà trường có thể sử dụng thời lượng dạy học còn lại để tổ chức dạy học hai buổi/ngày. Số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) thường xuyên và định kỳ như sau: Đối với môn học có từ một tiết trở xuống/tuần: Thực hiện một đầu điểm thường xuyên, một đầu điểm định kỳ, một đầu điểm kiểm tra học kỳ. Đối với môn học có trên một tiết đến dưới ba tiết/tuần: Có tối thiểu hai đầu điểm thường xuyên, một đầu điểm định kỳ và một đầu điểm kiểm tra học kỳ. Đối với môn học có ba tiết trở lên/tuần: Thực hiện tối thiểu ba đầu điểm thường xuyên, một đầu điểm định kỳ và một đầu điểm kiểm tra học kỳ. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng đa dạng các hình thức. Các trường có thể sử dụng vấn đáp, phỏng vấn kiểm tra ngắn, nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình, kết quả/sản phẩm học tập. Nhà trường sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập online của HS quy đổi thành kết quả thường xuyên. Ông Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, cho biết sau khi ổn định tình hình, nhà trường sẽ có kế hoạch kiểm tra kiến thức của HS trong quá trình học online tại nhà để tổ chức lớp phụ đạo thêm. Trường hợp các em không vào mạng được thì sẽ dạy lại từ đầu. Đối với những em có tham gia học nhưng không thường xuyên sẽ có kế hoạch bồi dưỡng khác. Ông Phó Trọng Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Tùng Thiện Vương, cũng cho hay trường đã xây dựng quy chế quy đổi kết quả học tập trong thời gian HS học ở nhà. Nếu HS tham gia học tốt, tích cực, giáo viên sẽ cho điểm. Còn em nào không có điều kiện, giáo viên sẽ phải ôn tập thêm và cho kiểm tra bổ sung. NGUYỄN QUYÊN |