Sắp bỏ cấp phép ca khúc trước 1975 và hải ngoại?

“Theo dự thảo về nghị định mới trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD), ranh giới việc cấp phép phổ biến các ca khúc mới với các tác phẩm sáng tác trước 1975 và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống, định cư tại nước ngoài sẽ được xóa bỏ” - NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL, đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM bên lề một sự kiện văn hóa tại TP.HCM.

Để chi tiết hơn về những nội dung đổi mới của dự thảo nghị định mới, Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện cùng biên đạo múa Tuyết Minh, chuyên viên phòng Nghệ thuật, Cục NTBD, thành viên tổ biên tập xây dựng nghị định.

Phải xóa bỏ những ranh giới không đáng có

. Phóng viên: Từ tiền đề nào mà Cục có ý định xây dựng một nghị định mới trong lĩnh vực NTBD, thưa bà?

+ Biên đạo múa Tuyết Minh: Hoạt động NTBD hiện có hai nghị định liên quan gồm: Nghị định 79/2012/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 79) quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 15) sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Cục không phủ nhận Nghị định 79 và Nghị định 15 nhưng hai nghị định này đã hoàn thành sứ mệnh. Bởi hai nghị định này chỉ mới quy định về thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn chứ chưa đưa ra những chính sách phát triển ngành nghệ thuật nói chung. Thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn chỉ là một mảng nhỏ chứ chưa hướng đến mặt bằng lớn của phát triển NTBD.

. Vậy dự thảo nghị định mới sẽ có những gì đổi thay không mang tính thủ tục như các nghị định cũ?

+ Dự thảo nghị định mới có chính sách phát triển ngành NTBD, trong đó có bảy nội dung quản lý nhà nước: Thứ nhất, sưu tầm, nghiên cứu khoa học trong hoạt động NTBD. Thứ hai, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho ngành NTBD. Thứ ba, đặt hàng sáng tác để có những tác phẩm quy mô lớn, giá trị nghệ thuật cao. Thứ tư, quảng bá tác phẩm chương trình vở diễn nghệ thuật đến với công chúng, kết hợp các ngành nghề khác. Thứ năm, quản lý lại các cuộc thi và liên hoan trong lĩnh vực NTBD. Thứ sáu, lập cơ sở dữ liệu để quản lý nghệ sĩ thuộc lĩnh vực NTBD. Và cuối cùng, thanh tra, kiểm tra, giám sát vi phạm về NTBD.

. Được biết ngoài bảy vấn đề như bà nêu thì vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài cũng sẽ được xóa bỏ?

+ Cục nhận thấy vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài gây nhiều dư luận thời gian qua. Đã là người Việt Nam thì không nên khắc sâu ranh giới quá khứ, phải làm sao để văn hóa nghệ thuật hòa hợp, cùng tôn vinh văn hóa Việt Nam các thời kỳ. Trong nhịp sống ngày hôm nay và về góc độ hòa hợp dân tộc, người làm quản lý cũng mong muốn quy tụ nguồn lực về Việt Nam. Công sức lao động trong sáng tạo cũng phải hướng đến làm sao không chảy máu chất xám. Từ những thực tế đó, trong xây dựng chính sách phải xóa bỏ những ranh giới không đáng có.

Bài hát, tác phẩm trước hay sau 1975, trong nước hay hải ngoại cũng đều là cảm xúc của con người nên việc cấp phép phải dựa trên thẩm mỹ nghệ thuật. Tác phẩm không đi ngược với pháp luật, kể cả ngôn từ, giai điệu… thì đáng được đến với công chúng.

Trong dự thảo nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn, nghệ sĩ hải ngoại sẽ trực tiếp được cấp phép biểu diễn mà không cần thông qua tổ chức nào. Trong ảnh:Ca sĩ Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Ly, Lê Uyên và Elvis Phương trong một đêm diễn tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: ĐỒNG DAO

Cấp phép cho cá nhân thay vì cho tổ chức

. Có một thực tế là hiện cục cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn nhưng vẫn có những trường hợp địa phương từ chối tiếp nhận nghệ sĩ đó biểu diễn tại địa phương. Nghị định mới làm sao để tránh tình trạng bộ cấp phép nhưng các sở không cho diễn?

+ Điểm mới ở dự thảo nghị định này chính là phân cấp quản lý. Theo Nghị định 79 và Nghị định 15 hiện hành, Cục là đơn vị cấp phép cho tổ chức mời nghệ sĩ hải ngoại về diễn. Ví dụ, cấp phép cho tổ chức A mời danh ca X về diễn tại tỉnh A, B, C… Khi cấp phép cho tổ chức sẽ xảy ra tình trạng ca sĩ trở thành độc quyền cho một đơn vị; tổ chức đó có thể biểu diễn khắp cả nước. Và hiện các sở địa phương có quyền từ chối tiếp nhận giấy phép biểu diễn của Cục bởi những yếu tố như thời gian, địa điểm, đơn vị tổ chức… chưa phù hợp.

Theo nghị định mới, người được cấp phép biểu diễn trong nước sẽ được biểu diễn thời hạn ba tháng, sáu tháng…trong thời hạn đó, người được cấp phép có quyền biểu diễn với bất cứ tổ chức nào chứ không phải một đơn vị tổ chức mời về và độc quyền. Thay đổi ở đây chính là thay vì Cục cấp phép cho tổ chức thì sẽ cấp phép cho cá nhân. Nhưng địa phương vẫn có quyền cân đối xem buổi diễn, không gian diễn, nghệ sĩ… phù hợp với văn hóa địa phương thời điểm đó hay không.

. Vậy tình trạng cát cứ địa phương trong tiếp nhận biểu diễn vẫn diễn ra như cũ, dù nghệ sĩ có được Cục cho phép về biểu diễn?

+ Cục chỉ cấp phép cho cá nhân nghệ sĩ được về Việt Nam biểu diễn, còn diễn ra ở địa phương nào thì địa phương đó phải căn cứ vào tình hình cụ thể. Có những chương trình nghệ sĩ A, bài hát B diễn ở địa phương này thì phù hợp nhưng ở địa phương khác thì không phù hợp. Điều đó địa phương tự xem xét.

. Xin cám ơn bà.

Tạo môi trường thông thoáng

Việc Cục soạn thảo dự thảo nghị định mới nhằm mục tiêu cải cách hành chính thông thoáng hơn, tăng quyền quản lý về các địa phương, mở rộng hơn hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tạo môi trường thông thoáng hơn cho nghệ sĩ định cư tại nước ngoài trở về…

NSND NGUYỄN QUANG VINH, quyền Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới