Chương trình sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống mang tên Đất thép – địa đạo an toàn nhất là lòng dân (đạo diễn Lê Quý Dương) sẽ ra mắt tối nay 22-12 nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024) hướng đến 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975-30-4-2025).
Đây là vở kết hợp giữa biểu diễn cùng hình thức tự sự qua lời dẫn chuyện của linh hồn một người lính Mỹ từng chiến đấu tại vùng đất Củ Chi.
Những người con anh hùng nơi đất thép
Chương trình Đất thép – địa đạo an toàn nhất là lòng dân được lấy bối cảnh tại vùng đất Củ Chi ở cả hai giai đoạn chống Pháp và Mỹ.
Xuyên suốt câu chuyện kể về cuộc đời của mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành (má Tám Rành) cùng những người dân vùng đất Củ Chi anh hùng.
Gia đình má Tám Rành và thầy giáo Tám Cầm có 10 người con. Chiến tranh đã cướp đi 8 người con, 2 đứa cháu và nỗi đau chiến tranh cũng đã cướp đi người chồng của má. Dù vậy, má Tám Rành vẫn nuốt ngược nước mắt vào trong, tiếp tế từng nồi cháo, củ sắn… cho lực lượng thanh niên quê nhà yên tâm đánh giặc.
Cuộc đời má Tám Rành là đại diện cho bao nhiêu người phụ nữ miền Nam khác thời đạn bom ác liệt. Những mất mát, hi sinh của họ đổi lấy hoà bình cho vùng đất thép nói riêng và đất nước nói chung.
Bên cạnh mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành, những chàng trai, cô gái của vùng đất thép Củ Chi cũng được nhắc đến qua những liệt sĩ có thật như Bảy Chèn, Hai Lép, Bảy Nê, Tư Duyên…
Họ là chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi và thanh xuân của họ là những ngày đào hầm đánh giặc giành lại hoà bình cho đất nước…Và giữa những ngày ác liệt, câu nói của các nhân vật "địa đạo an toàn nhất là lòng dân" như lời nhắc nhở cho thế hệ sau.
Câu chuyện của Đất thép – địa đạo an toàn nhất là lòng dân được tái hiện trong không gian phòng trưng bày của Nhà truyền thống huyện Củ Chi. Căn phòng được đạo diễn Lê Quý Dương cải tạo để tạo được không gian như đường hầm địa đạo Củ Chi.
Những người con Củ Chi kể chuyện đất mình
Đối với Đất thép – địa đạo an toàn nhất là lòng dân, khiến người xem bất ngờ là các diễn viên tham gia.
Họ không phải là diễn viên chuyên nghiệp mà đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như lái xe, giáo viên, chuyên viên văn phòng, người bán nước và có cả nông dân… Tất cả đều đang làm việc và sinh sống tại Củ Chi.
Về lý do chọn diễn viên không chuyên cho chương trình Đất thép – địa đạo an toàn nhất là lòng dân, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết đây là chủ ý của anh.
"Tôi muốn một sự chân thực nhất có thể và các bạn là người Củ Chi thì sau này Trung tâm văn hoá vận hành chương trình này họ hoàn toàn chủ động về câu chuyện diễn viên" – đạo diễn Lê Quý Dương nói.
Chỉ trải qua 20 buổi tập luyện chính thức nhưng các diễn viên không chuyên đã khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng và thậm chí có những phân đoạn qua cách thể hiện gần gũi, chân thật của họ đã lấy được nước mắt người xem.
Chia sẻ với PLO, chị Trà Như Nguyên (vai má Tám Rành), công tác tại Trung tâm VH-TT&TT Củ Chi, cho biết bản thân rất lo lắng khi nhận vai. Chị đã tìm đọc rất nhiều tư liệu của mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành để cảm nhận.
"Mặc cảm về ngoại hình nên khi đạo diễn tổ chức casting tôi không tham gia mà chỉ là người hỗ trợ cho đạo diễn. Khi đó, đạo diễn Lê Quý Dương cũng tìm được một số diễn viên nhưng khi tập luyện, đạo diễn vẫn chưa ưng ý và đề nghị tôi thoại cho vai diễn. Cuối cùng, tôi lại được giao vai" - chị Trà Như Nguyên trải lòng.
Đạo diễn Lê Quý Dương cũng đã bàn giao lại chương trình cho Trung tâm văn hoá huyện Củ Chi vận hành.
Đầu năm 2025, vở diễn sẽ được bán vé cho khán giả. Cụ thể, giá vé là 95.000 đồng (học sinh, sinh viên), 175.000 đồng (công dân Việt Nam) và 220.000 (khách nước ngoài).
Sau khi trừ chi phí, toàn bộ doanh thu của vở Đất thép sẽ được dành cho quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" chăm lo cho các gia đình chính sách trên địa bàn huyện