Tối 23-10, sân khấu kịch 5B đã công diễn vở kịch Đồng chí (tác giả: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu – Quốc Thịnh).
Tham dự buổi công diễn có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM…
Cuộc chiến tranh giữa thời bình
Vở kịch Đồng chí là câu chuyện kể về những người lính như Trung (Quốc Thịnh), Tâm (Chánh Trực), Chín (Trọng Hiếu)… từng kề vai sát cánh trên chiến trường, đặc biệt là trận chiến khốc liệt tại điểm cao 200.
Trong trận chiến ác liệt đó, Chín bị bom vùi lấp đến nát chân, quyết không bỏ lại đồng đội bất chấp hiểm nguy, Trung đã quay lại cứu đồng đội của mình.
Bên cạnh vẻ đẹp tình đồng chí, vở kịch còn đem đến câu chuyện trong thời bình của ông Trung. Đó là sự xung đột lý tưởng của thế hệ giữa ông và con trai.
Không chỉ vậy, ông Trung mang trên mình lý tưởng cách mạng cao đẹp thế nhưng Thành (Huỳnh Phương), con trai ông là một sĩ quan kinh tế trong quân đội, dù có biệt danh Thành "bàn tay sạch" nhưng vẫn bị cuốn vào guồng quay của bộ máy hiện thực để rồi "nhúng chàm".
Luôn mang những lý tưởng cao đẹp nhưng hiện thực cuộc sống đã mài mòn tất cả khiến ông Trung phải luồng cuối, chạy xuôi ngược để cứu con ra khỏi vũng lầy tội lỗi.
Tuy nhiên, dẫu cho cuộc sống xô bồ vùi lấp những lý tưởng cao đẹp thế nhưng đâu đó lý tưởng của ông Trung, của bạn bè ông cũng như bao người lính cụ Hồ khác vẫn được tiếp nối bởi thế hệ trẻ là con trai của Thành…
"Mặt trận thời nay khác thời xưa nhiều lắm, không tiếng bom tiếng đạn nhưng nó giết người nhanh không kém ngày xưa. Chúng ta có thể không sợ mưa bom bão đạn không sợ cả cái chết nhưng chúng ta là người, chúng ta có gia đình, có vợ con và chúng ta bắt buộc phải mềm yếu trước tất cả những điều đó".
Ý nghĩa lớn lao của hai chữ "đồng chí"
Đan xen giữa hiện thực và quá khứ trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, vở kịch Đồng chí khiến khán giả cảm nhận được một thời hào hùng của dân tộc, sự hi sinh của thế hệ cha ông cho cuộc sống tươi đẹp của thế hệ sau.
Chiến tranh đã lùi xa lâu lắm rồi. Nhiều khi trong thời bình người ta coi nhẹ hai chữ đồng chí, thậm chí còn làm nó méo mó đi nhưng tôi tin rằng khi đất nước có biến cố, tất cả mọi người đứng về một phía và nhìn về một hướng đó là ý nghĩa của hai chữ "đồng chí".
Tình đồng chí nó được sinh ra giữa những người cùng chung lý tưởng, mục đích và chí hướng. Nó được gìn giữ và tồn tại hay không là do chúng ta có trân trọng và gìn giữ sự thiêng liêng của nó hay không?
Không chỉ vậy, vở kịch cũng chỉ ra áp lực cuộc sống của thế hệ những người trẻ sống trong thời bình như lời nhân vật Thành chia sẻ: "Nếu bây giờ con không giống họ, liệu con có tồn tại được hay không?".
Bên cạnh câu chuyện về đồng đội, tình đồng chí, vở kịch Đồng chí còn vẽ nên bức tranh của tình người, tình dân tộc giữa những người mang lý tưởng khác nhau ở hai đầu chiến tuyến; lý tưởng cao đẹp quyết tâm nối bước cha ông của mình là phải luôn trung thực, thẳng thắn của thế hệ trẻ ngày nay…
Chia sẻ với PLO, nghệ sĩ Chánh Trực cho biết mình là một người bạn đồng hành, người đồng chí "chí cốt chí tình" hài hước nhưng đa cảm.
"Trước những khó khăn của bạn mình, phải thoả hiệp với những điều mà trước đó bản thân luôn phản đối thì tôi cảm thấy đau đớn. Chữ đồng chí trong vở kịch khán giả xem và cảm nhận được là do tình bạn của chúng tôi cùng đồng hành, dìu bạn mình trong khó khăn vui sướng, khổ đau...
"Để bạn không chao đảo, tôi là điểm tựa cho bạn. Tôi là một phần bổ khuyết cho người bạn của mình trong cảm xúc lẫn diễn xuất" - nghệ sĩ Chánh Trực bày tỏ.
Bên cạnh dàn diễn viên như: Chánh Trực, Trọng Hiếu, Huỳnh Phương, vở còn có sự góp mặt của dàn diễn viên: Phương Trâm, Lâm Thắng, Quốc Cường, Khánh Đăng…
Vở kịch Đồng chí do Hội Sân khấu TP.HCM đầu tư dàn dựng. Vở sẽ tham gia Liên hoan sân khấu TP.HCM vào tháng 11 năm nay.