Vào ngày 12-8 âm lịch hằng năm, ngành sân khấu lại cùng nhau hướng về Tổ nghề cũng như tri ân, tưởng nhớ anh linh các vị tiền hiền tiêu biểu của sân khấu Việt Nam.
Giỗ tổ sân khấu năm nay (ngày 11, 12 và 13-8 âm lịch) rơi vào các ngày 13, 14, 15-9.
Đây không chỉ là dịp để các nghệ sĩ về mái nhà chung bày tỏ lòng thành kính với tổ nghiệp mà còn là dịp để các nghệ sĩ tiền bối truyền những kinh nghiệm quý báu cho các nghệ sĩ hậu bối nhằm lan tỏa ngọn lửa yêu nghề, cùng nhau góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trò chuyện với NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM để cùng nhìn lại một năm hoạt động cũng như những trăn trở đối với sân khấu tại TP.HCM.
Sân khấu cải lương còn nhiều lo ngại
. Phóng viên: Một mùa giỗ Tổ lại về, cũng là dịp nhìn lại một năm hoạt động của sân khấu TP.HCM. Trong vai trò Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM, ông có đánh giá thế nào? Trăn trở ra sao?
+ NSND Trần Ngọc Giàu: Sau đại dịch COVID-19, TP.HCM đã có bước khởi động trở lại nhất là lĩnh vực kịch nói sân khấu xã hội hoá.Trong đó phải kể đến Liên hoan Sân khấu toàn quốc đợt 2.
Tưởng như đại dịch làm cho tê liệt đi thì nó đã gượng lại rất khỏe mạnh với hơn 20 vở diễn, mang đến niềm tin hi vọng. Và sau liên hoan đến nay sân khấu kịch đã có tín hiệu khởi sắc, các sân khấu hoạt động đều đặn.
Tuy nhiên, cũng thấy rằng, sân khấu đang có những bước lặp lại chính mình, chưa có sự đột phá và chưa có nhiều đổi mới trong hoạt động.
Đối với sân khấu cải lương thì rất đáng lo ngại. Đội ngũ tác giả đếm được trên ngón tay. Các em đạo diễn, diễn viên cải lương đi học rất nhiều, nhưng học rồi để đó vì không có sân khấu để thực hành.
Đội ngũ diễn viên như NSND Trọng Phúc, Thanh Ngân, Phượng Loan, NSƯT Kim Tử Long cũng đã dần lớn tuổi, trong khi đó đội ngũ diễn viên trẻ hứa hẹn có một sự thay đổi để giữ được sân khấu cải lương lại không có nhiều.
. Vậy lý do thiếu hụt đội ngũ diễn viên cải lương trẻ là gì thưa ông?
+ Các nghệ sĩ thế hệ trước có thể không được đào tạo qua trường lớp nhưng họ có môi trường hoạt động và được học nghề thực tế. Thế hệ diễn viên trẻ hiện nay thì không được điều kiện như vậy vì sân khấu cải lương bây giờ không sáng đèn, họ không có đất diễn.
Sân khấu bao giờ cũng khó khăn, nhất là trong thời đại 4.0. Nhưng nhìn chung, lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề của các bạn không giảm sút, đó là cái đáng mừng. Hi vọng rằng nó cũng sẽ góp 1 phần để cho sân khấu tồn tại, tôi tin các bạn rồi cũng sẽ tìm ra một hướng đi để đi cùng với khán giả của TP.
. Bên cạnh thiếu hụt diễn viên thì thiếu kịch bản, vở diễn bám sát đời sống có phải lý do khiến sân khấu cải lương không hút khán giả?
+ Đúng rồi. Tuy nhiên lại đặt ra những vấn đề rất khó khi cạnh tranh với truyền thông báo chí.
Ví dụ, khi nói đề tài chống tham nhũng, báo chí đưa tin ông Chủ tịch tỉnh bị bắt là hết, còn khi dựng một vở kịch phản hồi có thông tin như vậy có nghĩa là đã đi sau báo chí và việc thông tin đó không phải nhiệm vụ của kịch.
Kịch là phải lý giải tại sao trước đây ông ấy không phải con người như vậy mà bây giờ lại như thế này. Rồi có ai thử đặt mình vào cương vị người đó, khi hôm qua họ còn đứng phát biểu và hôm nay họ bị bắt; họ xấu hổ ra sao, con cái, bạn bè của con có người đó có tâm lý như thế nào…. Sân khấu phải làm được điều này. Sân khấu phải lý giải được nhưng lý giải lại đòi hỏi tài năng và chúng ta đang thiếu điều này.
Gìn giữ sân khấu cải lương cần có chiến lược
. Ông có đề cập việc sân khấu cải lương “Tre già măng mọc” và có thể thấy thế hệ kế thừa họ vẫn đang cố gắng duy trì sân khấu cải lương. Ông có nhìn nhận ra sao?
+ Những nghệ sĩ trẻ hiện nay đang ở tình trạng cứ 1, 2 tháng diễn được 1 - 2 vở gì đó, diễn được một vài suất thì điều này có nghĩa là họ đang cố làm sao tồn tại và những hoạt động này chỉ đang đáp ứng tức thời.
Công chúng thì không đứng yên bởi trong thời đại công nghệ càng ngày càng có những phát minh, công chúng có những nhu cầu, đòi hỏi khác do đó không thể làm mãi như vậy.
Bây giờ cần phải đòi hỏi có một chiến lược thật sự căn cơ thì cải lương mới có thể tồn tại và phát triển được
Về phía quản lý nhà nước không có kế hoạch chiến lược, từ đào tạo đến hệ thống công tác lý luận, cách phổ biến tác phẩm làm sao đưa tác phẩm đến công chúng. Công chúng không xem không phải là lỗi của công chúng, người làm nghề phải nghiên cứu xem người ta đang muốn gì, và đáp ứng được cái gì, thay đổi thị hiếu công chúng như thế nào….
. Vậy ông có kiến nghị gì để có thể phần nào sân khấu cải lương đi tới?
Bây giờ trong tâm thế là người làm nghề nhiều năm, đi trước các nghệ sĩ trẻ , tôi đang cố gắng truyền đạt với các bạn trẻ mà tôi đang giảng dạy, hay đồng nghiệp trẻ để các bạn nhận định..
Bên cạnh đó, quan trọng hiện tại là chiến lược của nhà nước. Ví dụ khi quan niệm sân khấu cải lương là di sản văn hoá dân tộc thì phải gìn giữ nó bằng cái gì? Không thể một năm tồn tại nhà hát bằng cách cho bao nhiêu tiền rồi gọi đó là gìn giữ.
Gìn giữ ở đây là gìn giữ con người, tài năng... mà muốn như thế thì phải đầu tư đào tạo tài năng và quan trọng nhất là nuôi tài năng đó như thế nào.
Chế độ chính sách hiện nay còn chung chung, không phải nuôi bằng liên hoan… Nuôi một nhà hát không đơn giản như vậy.
. Xin cảm ơn ông!